Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Những vị thuốc từ Trâu

20:19, 13/02/2021

  Không chỉ là nguồn sức lao động dồi dào, nguồn thực phẩm giá trị và nguyên liệu cần thiết cho một số ngành đặc biệt, trâu còn mang tác dụng y dược phổ biến. Trâu được coi như “cây thuốc biết đi” vì tất cả bộ phận từ cơ thể nó đều có thể đem chế được thành thuốc, dùng để tăng cường sinh lực, phòng chống và chữa trị hiệu quả nhiều bệnh ở người.

THỊT TRÂU

Thịt trâu dùng chế biến ra được những món ăn ngon (cuốn lá cải, xào cần tỏi, kho nước dừa, hấp gừng...), lại mang tác dụng y dược đa dạng, hiệu quả nên nhiều người ưa thích. Nó có vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng bổ tỳ vị, mạnh gân cốt, ích huyết. Hàm lượng dinh dưỡng trong thịt trâu khá cao: tỷ lệ chất đạm gấp đôi so với thịt lợn, lượng chất béo và chất đường vừa phải, nhiều muối vô cơ (canxi, phốtpho, sắt...) và các loại vitamin (B1, B2, B6, B12, PP...).

Thịt trâu nấu với ít gừng, vỏ quýt, hành, giấm, muối, ăn vào lúc đói, chữa nóng trong, miệng khô rát, nước tiểu đỏ ở người cao tuổi. Người gầy yếu, hao tâm lực, hư suy cơ bắp sau thời kỳ mới ốm dậy thì lấy thịt trâu hầm kỹ với hành, gừng rồi ăn cả nước lẫn cái, có thể hồi phục và bồi bổ sức khỏe. Người yếu bụng hay có chứng đi đại tiện lỏng mãn tính, hầm nhừ thịt trâu với ít rượu màu thành nước sền sệt, hàng ngày ăn sẽ bổ hư, cầm được đi lỏng. Khi tỳ vị yếu, chán ăn hoặc ăn vào khó tiêu, nước bọt tiết ra không đủ, đem ninh thịt trâu với củ cải dùng sẽ rất hiệu quả. Còn nếu dùng thịt trâu thiến nấu lẫn với các vị thuốc tiên sơn dược, liên nhục, bạch phục linh, tiểu hồi hương, táo tàu, rồi làm thành viên, dùng ăn dần sẽ bồi bổ sức khỏe, chữa chứng hư tổn trong cơ thể. Ngoài ra, đem rửa sạch thịt trâu, cho vào ít nước, ninh nhừ nát như cháo, lọc bã lấy nước, rồi tiếp tục nấu cô đặc đến khi nước ngả màu hổ phách, đem cất kỹ, bảo quản, ăn dần - về mùa đông ăn thường xuyên có thể chữa trị các bệnh như tê liệt do trúng phong, méo mồm cấp tính, tắt đờm...

DA TRÂU

Da trâu có vị mặn ngọt, mùi hơi tanh, tính bình, không độc, có tác dụng giảm đau, cầm máu, nhuận tràng. Da trâu ngâm nước đến khi mềm, cắt nhỏ (40g), trộn với (nửa chén) nước cốt gừng, nấu nhỏ lửa cho đặc quánh, để nguội, phết lên giấy, dán vào chỗ đau chữa phong thấp, chân tay đau nhức. Da trâu phơi khô, đốt thành than, tán bột, rắc vết thương làm thuốc cầm máu. Còn để chữa đau dạ dày, dùng bột than da trâu (10g) trộn với máu lươn (10g), uống trong ngày với nước mía.

Cao da trâu (chế bằng cách lấy da trâu cắt nhỏ, ngâm nước vôi trong một ngày đêm rồi nấu nhừ, chắt lấy nước, cô đặc thành cao) nấu với ít giấm cho tan, rồi đắp dán trị đau vú. Lấy cao da trâu phối hợp với vỏ hàu (nung đỏ), lộc nhung và tổ bọ ngựa trên cây dâu (sao với rượu), liều lượng mỗi thứ bằng nhau, tán bột mịn, trộn với hồ nếp thành từng viên bằng hạt ngô, mỗi ngày uống 50 viên (chia làm hai lần) sẽ chữa đái són. Cao da trâu (10g), muội nồi (8g), cao ích mẫu (3g), trộn đều, uống với nước đun sôi để nguội chữa rong kinh, máu ra nhiều như bị băng huyết. Cao da trâu (4g), sợi bông đốt thành tro (4g), trộn đều, uống trị thổ huyết, băng huyết, tiểu tiện ra máu.

XƯƠNG TRÂU

Lấy xương trâu nấu cùng xương nhiều loại động vật khác, chế thành cao tổng hợp để bồi dưỡng cơ thể. Còn nếu dùng xương hàm trâu nung đỏ, nhúng làm nhiều lần vào nước lạnh, rồi lấy nước này ngậm sẽ chữa chân răng sưng đau.

TỦY TRÂU

Dùng tủy trâu (20g) trộn đều với sinh địa (250g) và bạch cương tâm (250g), sắc đặc, cô thành cao. Mỗi sáng xúc 1 thìa hòa vào rượu ấm, uống có tác dụng bổ thận, ích tủy, rất tốt với những người gối mỏi, xương gãy, lưng đau, thận hư.

SỮA TRÂU

Sữa trâu có vị ngọt, tính bình, dễ hấp thu, tác dụng bổ dưỡng, nhuận tràng, làm khỏe cơ, thông trí, mịn da, sáng mắt. Dùng sữa trâu trộn với dịch ép lá màn màn hoa vàng, rỏ vào tai sẽ đặc trị đau tai.

BẦU DỤC TRÂU

Bầu dục trâu có tác dụng ích thận, trợ dương. Lấy bầu dục trâu (1 quả), bỏ màng, rửa sạch, cắt nhỏ; dương khởi thạch (120g) dùng vải bọc lại và gạo tẻ (60g). Dùng 6 cốc nước sắc dương khởi thạch cho đến khi còn một nửa mới bỏ bầu dục và gạo vào ninh chín nhừ, ăn sẽ chữa thận hư, liệt dương, di tinh, hoạt tinh.

TINH HOÀN TRÂU

Lấy tinh hoàn trâu nấu với lá thìa là và muối, ăn vào sẽ trị chứng sưng đau tinh hoàn (đồi sán).

MẬT TRÂU

Mật trâu có tác dụng chữa đau mắt đỏ. Lấy mật trâu trộn đều với mật cá trắm, mật ong và sữa người, rồi dùng lông gà sạch thấm vào, bôi lên mi mắt (bôi ở ngoài mí mắt).

SỎI MẬT TRÂU

Sỏi mật trâu có tác dụng thanh tâm, giải độc, chữa hồi hộp, khai đờm. Nó là loại thuốc đặc trị các chứng nhiệt quá phát cuồng, trúng phong bất tỉnh, hôn mê, cổ họng sưng đau, đinh nhọt, u bướu.

MŨI TRÂU

Lấy mũi trâu làm sạch, thái miếng, nấu với gạo nếp (50g), lá sung có tật (30g) và quả mít non (30g) thành cháo nhừ, cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ ăn sẽ làm tăng tiết sữa.

SỪNG TRÂU

Sừng trâu có vị mặn, hơi chua, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, tiêu sưng, giảm đau, giải độc, cầm máu. Lấy sừng trâu (4-8g) mài vào nước nóng cho đến khi trắng như sữa hoặc tán bột sắc uống, chữa sốt cao, phát cuồng, viêm họng, ho. Dùng sừng trâu (40g, đốt tồn tính, tán bột) trộn đều với tóc rối (40g, đốt thành tro) và bồ hóng (40g), uống mỗi lần 8g cùng nước lá ngải cứu sắc đặc, chữa băng huyết. Bột sừng trâu (10-20g) sắc uống chữa được bệnh tâm thần phân liệt; còn với liều 5g trộn cùng câu đằng (15g), bọ cạp (2,5g), nam tinh (5g), chu sa (1,5g) đem sắc uống thì trị được kinh phong trẻ em.

Chót sừng trâu (đốt tồn tính) và mai mực (tán nhỏ), liều lượng bằng nhau, trộn đều với ít xạ hương, uống mỗi lần 4g cùng rượu vào lúc đói, ngày 3 lần, chữa băng huyết.

Lấy 50g nõ sừng trâu (lõi trong sừng trâu) phối hợp với ba kích (250g), hà thủ ô chế (50g), quả câu kỷ (50g), rễ cỏ chỉ (25g), đem tất cả thái nhỏ, sao khô, tán bột mịn, trộn với mật ong lượng vừa đủ, làm thành từng viên bằng hạt nhãn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên và dùng liền 1 tháng sẽ đặc trị liệt dương, đau ngang lưng, đi tiểu nhiều. Nõ sừng trâu còn được dùng chữa đại tiện ra máu, hành kinh ra máu cục với liều dùng 12-20g mài nước uống hoặc sắc uống.

RÁY TAI TRÂU

Ráy tai trâu trộn với ít nước thành bánh, đắp trừ nhọt độc, vết rết và sâu bọ độc cắn.

RĂNG TRÂU

Lấy răng trâu đốt đỏ hồng, nhúng giấm, đốt nhúng 3 lần rồi tán bột mịn, trộn với dầu vừng bôi chữa chân tay lở loét, trẻ em bị chốc đầu có mủ. Nếu lấy bột này hòa vào nước, cho trẻ em bị động kinh uống giữa hai lần lên cơn, nhiều dần sẽ khỏi. Còn nếu dùng bột này chà vào răng người già bị lung lay, ngậm cho đến khi nước bọt đầy miệng thì nhổ ra, súc miệng, nhiều lần răng sẽ bớt lung lay, thậm chí chắc trở lại.

NƯỚC DÃI TRÂU

Lấy bông quấn đầu đũa, thấm nước dãi trâu, bôi sâu vào họng người bị đau cuống họng thì sẽ khỏi. Người bị cấm khẩu đột biến, cho uống nước dãi trâu kết hợp xoa bóp vùng mặt, dùng kim chích máu 10 đầu ngón tay, sẽ nói được. Nước dãi trâu còn để bôi trị mụn cóc trên da.

MÓNG CHÂN TRÂU

Móng chân trâu đem đốt thành than, tán bột, trộn với dầu vừng, bôi hàng ngày, chữa lở loét đầu dương vật.

ĐUÔI TRÂU

Đuôi trâu cạo sạch lông, thái nhỏ, nấu canh ăn, trị chứng đái rắt, thủy thũng.

PHÂN TRÂU

Phân trâu phơi khô, tán nhỏ hòa với rượu đắp, chữa tinh hoàn sưng đau. Nếu đem đốt tồn tính, tán mịn, trộn với lòng trắng trứng gà, đánh nhuyễn, rồi phết xung quanh, chữa mụn nhọt đã vỡ mủ lâu ngày không liền miệng.

          Ngoài những vị thuốc cổ truyền, y học hiện đại còn bào chế được từ trâu các loại thuốc, văcxin đặc chủng chữa trị bệnh về thần kinh, tim, gan, thận, máu, dạ dày, cơ, xương... và dùng trâu làm nhiều thí nghiệm y dược. Việc sử dụng các phủ tạng của trâu (cũng như những động vật khác) trong y học cổ truyền sẽ điều trị bệnh lý của các bộ phận tương ứng trong cơ thể con người, là cơ sở của chuyên ngành “tạng phủ liệu pháp” (viscera thepary) hiện nay.

                                                                                           BẢO HOÀN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc