Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cùng công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông được lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc (Hà Giang) thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; góp phần tác động tích cực đến ý thức, của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn khi tham gia giao thông.
CSGT Công an huyện Mèo Vạc; lãnh đạo xã Giàng Chu Phìn đến thăm gia đình chị Giàng Thị Dế, thôn Há Đề, Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang). |
Đã hơn một năm, từ khi chồng phải đi chấp hành án phạt tù, do uống rượu gây tai nạn giao thông...; một nách 3 đứa con, đứa lớn nhất 4 tuổi, đứa nhỏ nhất từ khi chào đời chưa từng biết mặt bố, chị Giàng Thị Dế, 22 tuổi, thôn Há Đề, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) cứ lầm lũi một mình chăm sóc con thơ và bố mẹ chồng già.
Ông Vừ Vả Chính, bố chồng của chị Giàng Thị Dế chia sẻ: “Nhà nghèo, vợ chồng tôi không còn sức lao động được việc nặng, các cháu thì còn nhỏ; trước thằng Pó nó là lao động chính trong nhà, giờ nó đi tù rồi nhà khó khăn lại càng thêm khó khăn. Từ ngày chồng Pó phải đi chấp hành án phạt tù, vợ nó cứ lầm lũi một mình chăm sóc vợ chồng tôi và mấy đứa con nhỏ, rất là khổ cực.
Tháng 7-2022, Vừ Mí Pó, sinh năm 2000 (chồng chị Dế) trú tại thôn Há Đề, xã Giàng Chu Phìn, điều khiển xe gắn máy đi từ nhà ra thị trấn Mèo Vạc để đón em dâu, đi được một đoạn thì gặp Vừ Mí Mua, sinh năm 1999 trú cùng xã chạy xe máy ngược chiều. Do cả hai người đã uống nhiều rượu, không thể làm chủ được phương tiện, dẫn đến 2 xe đâm nhau. Kết quả, anh Mua bị chết còn Pó bị thương tích vùng đầu, mắt. Dẫn đến việc Pó phải đi chấp hành án phạt tù, do uống rượu gây tai nạn giao thông, để lại một mình vợ phải chăm lo cho bố mẹ già và 3 đứa con thơ…
Mèo Vạc là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Hà Giang, dân tộc thiểu số chiếm trên 96%. Trước đây, do phong tục tập quán lạc hậu nên việc người dân sử dụng rượu nhiều trong các dịp lễ, tết, đám tang, đám cưới rất nhiều, đặc biệt là tại các buổi chợ phiên. Việc uống rượu bia quá đà để lại nhiều hệ lụy.
Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, chính quyền huyện Mèo Vạc cùng lực lượng chức năng từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền. Đến từng thôn, bản gặp gỡ, phân tích cho bà con nhận thấy tác hại của rượu, bia.
Việc uống rượu tại chợ phiên Mèo Vạc (Hà Giang) đã được bà con hạn chế rất nhiều. |
Ông Nông Văn Ngay, Chủ tịch UBND xã Giàng Chu Phìn cho biết: “Với địa bàn 100% bà con là người dân tộc thiểu số, việc sử dụng rượu bia trong các đám tang, đám cưới hay mỗi khi ra chợ phiên trước đây như một thông lệ đối với bà con. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức đó, chúng tôi tăng cường tuyên truyền lồng ghép nội dung về an toàn giao thông cho bà con trong các buổi họp thôn, xóm… Vài năm trở lại đây cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác thông tin, tuyên truyền và việc tiếp cận thông tin của bà con dễ dàng hơn nên bà con cũng đã hạn chế uống rượu bia quá đà; đặc biệt nhận thức được việc “Khi đã uống rượu thì không tham gia giao thông”.
Cùng với công tác tuyên truyền, công tác tuần tra, kiểm soát; đặc biệt thực hiện quyết liệt kiểm soát nồng độ cồn đã tạo chuyển biến tích cực; từng bước hình thành thói quen văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe", của bà con dân tộc thiểu số vùng cao Mèo Vạc.
Có dịp đi cùng lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mèo Vạc trong buổi tuần tra, kiểm soát nồng độ cồn tại một buổi chợ phiên Mèo Vạc, đang bế đứa con nhỏ trên tay và ngồi sau xe chồng, khi được hỏi thăm, chị Già Thị Dia, thôn Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn chia sẻ: “Ngày trước mỗi lần đi chợ phiên cùng chồng tôi cũng lo lắm vì cứ gặp bạn bè là chồng lại uống rượu nhiều. Nhưng mấy năm nay, được cán bộ tuyên truyền thường xuyên, mỗi lần đi ra chợ phiên chồng tôi không còn uống rượu nữa, 2 mẹ con tôi ngồi sau xe máy của chồng rất yên tâm”.
Thiếu tá Trần Thanh Hùng, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Mèo Vạc cho biết: “Trong thời gian qua lực lượng Cảnh sát giao thông đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương trong việc tuyên truyền cho người dân tuân thủ việc khi tham gia giao thông không được sử dụng rượu bia. Đồng thời, qua công tác tuần tra, kiểm soát nồng độ cồn chúng tôi thấy nhận thức của bà con đã có sự thay đổi rõ rệt. Đặc biệt là những năm gần đây không còn tình trạng bà con uống rượu bia còn tham gia giao thông trong các buổi chợ phiên”.
Theo Thiếu tá Trần Thanh Hùng, việc vận động bà con vùng cao hạn chế rượu, bia mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất là sức khỏe của bà con được đảm bảo; thứ hai là tiết kiệm được tiền bạc, thời gian để làm ăn, phát triển kinh tế; thứ ba là ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Hạn chế tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội. Nhưng trước hết, mỗi cá nhân, gia đình, ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra để không còn những trường hợp đáng tiếc như anh Mua, anh Pó hay hình ảnh những đứa con thơ ngóng chờ bố, người vợ lầm lũi một mình vất vả, lo toan như chị Dế.
Bài, ảnh: Hà Linh (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc