Ruộng bậc thang là loại hình canh tác đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, gắn với lịch sử của mỗi dân tộc sinh sống nơi đây. Đó cũng là kết quả của quá trình lao động, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo trong việc đưa cây lúa nước lên canh tác trên núi cao.
Từ bao đời nay, các đồng bào dân tộc Mông, Dao, Nùng, Tày, La Chí ở huyện Hoàng Su Phì, bằng đôi tay khéo léo, cần cù đã tạo nên những kiệt tác ruộng bậc thang tựa như những bức tranh thiên nhiên kỳ thú, hữu tình. Gọi là ruộng bậc thang mùa nước đổ vì bà con chỉ cấy 1 vụ trong năm. Thời điểm từ tháng 5 đến tháng 6 hằng năm, khi những cơn mưa đầu mùa mang lại nguồn nước cho đồng ruộng thì cũng là lúc bà con tập trung ra đồng cày bừa, đắp bờ cho kịp khung thời vụ.
Những triền ruộng bậc thang đầy ắp nước từ những khe lạch nhỏ trên núi cao đổ về, lung linh như những tấm gương phản chiếu, nối dài tới tận chân trời, vẻ đẹp đó đã thu hút nhiều du khách khắp nơi không ngại đường xá xa xôi đến ngắm và lưu lại những khoảnh khắc để có bức ảnh đẹp khi vào dịp mùa nước đổ.
Ruộng bậc thang mùa cấy lúa hay còn gọi là mùa nước đổ đã và đang là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của huyện, thu hút du khách xa gần tới tham quan, chiêm ngưỡng. Du khách đặt chân đến huyện Hoàng Su Phì còn được trải nghiệm cuộc sống văn hóa đậm chất vùng cao của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Huyện Hoàng Su Phì có 3.600ha diện tích ruộng bậc thang, phân bố ở tất cả các xã, thị trấn. Hiện tại trong đó có gần 2.200ha ruộng bậc thang trong vùng di sản được bảo vệ. Những nơi có danh lam thắng cảnh đẹp, nổi bật nhất thuộc địa phận các xã như: Nậm Ty, Thông Nguyên, Nậm Dịch, Tả Sử Choóng, Bản Luốc, Nậm Khòa, Thàng Tín, Pố Lồ… Năm 2012, ruộng bậc thang tại 6 xã của Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận Di tích Quốc gia. Đến năm 2017 có thêm 5 xã được bổ sung vào danh sách ruộng bậc thang nằm trong vùng di sản.
Hoàng Tính (Trung tâm Văn hoá – Điện ảnh)
Ý kiến bạn đọc