Sau hơn 40 năm chia tay đồng đội, xa vùng chiến địa được coi là ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc, những ngày này, các cựu chiến binh, thương bệnh binh và thân nhân các liệt sỹ trên mọi miền Tổ quốc luôn tìm về chiến trường xưa để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân đồng đội, người thân đã anh dũng hi sinh tại mặt trận Vị Xuyên. Tại đây các câu chuyện hào hùng vẫn được truyền lại từ những người cựu chiến binh năm xưa.
Điểm cao 468 – những ký ức anh hùng không thể nào quên
Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ ở điểm cao 468 bề thế, trang nghiêm |
Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Đó là dòng chữ của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh khắc trên báng súng của mình khi chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Khi đồng chí Ninh hy sinh vào ngày 29 tết năm 1985, câu nói này đã trở thành lời thề của người lính mặt trận Vị Xuyên. Sống thì bám đá đánh giặc và nếu có hy sinh thì trở thành những lũy đá bất tử bảo vệ mảnh đất biên cương. Và giờ đây câu nói này đã trở thành niềm cảm hứng trong nhiều tác phẩm nghệ thuật nhằm giáo dục về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Các câu chuyện hào hùng vẫn được truyền lại từ những người cựu chiến binh năm xưa. |
Những người trực tiếp chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu trở lại thăm chiến trường xưa lại nghẹn ngào, xúc động |
Những ngày này, Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên luôn tấp nập từng đoàn cựu chiến binh đến viếng, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đứng trên điểm cao 468, hướng tay về các dãy núi phía trước, thương binh Phạm Văn Tập và cựu chiến binh Phạm Văn Vui đều ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương - những người trực tiếp chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu trở lại thăm chiến trường xưa lại nghẹn ngào, xúc động khi nghĩ về những năm tháng hào hùng xen lẫn đau thương, mất mát của cuộc chiến năm xưa.
Những người lính muốn truyền lại câu chuyện năm nào để thế hệ trẻ biết được và nối tiếp truyền thống tốt đẹp |
Năm 1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc bùng nổ, toàn bộ mặt trận Vị Xuyên lúc đó trở thành vùng đất lửa với những địa danh khốc liệt như đồi thịt băm, lò vôi thế kỷ, ngã ba cửa tử… Hơn 40 năm đã trôi qua những vết thương đã lành, những đỉnh núi đá đã phủ một màu xanh cây cối, các anh cũng đã ngủ yên trong lòng đất mẹ, song những ký ức về hàng nghìn người con đất Việt anh dũng, kiên cường “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” đều là ký ức khó quên của người trở về sau cuộc chiến. Và giờ đây, những người lính muốn truyền lại câu chuyện năm nào để thế hệ trẻ biết được và nối tiếp truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Từng đoàn cựu chiến binh đến viếng, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú của dân tộc |
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã khép lại và lùi dần vào quá khứ, nhưng dưới mỗi tấc đất nơi đây vẫn còn có một phần xương thịt những chiến sĩ quả cảm đã hy sinh vì Tổ quốc. Để khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ cha anh, Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ ở điểm cao 468 bề thế, trang nghiêm không chỉ là nơi để đồng đội tụ họp về thắp hương cho nhau mà còn là nơi giáo dục truyền thống. Và những người cựu chiến binh của chiến trường Vị Xuyên năm xưa đã, đang và sẽ là những chứng nhân lịch sử góp phần lan tỏa những giá trị trường tồn cho thế hệ trẻ nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc./.
Phương Duyên- Hồng Duyên
Ý kiến bạn đọc