Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Mèo Vạc: Cuộc chiến đưa người đã khuất vào áo quan

17:09, 22/09/2024

Thời gian qua để thay đổi tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Mông. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/5/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030. Huyện Mèo Vạc đã phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đó là kinh nghiệm quan trọng trong “cuộc chiến” đẩy lùi và xóa bỏ hủ tục trong tang ma, từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới trong vùng đồng bào Mông nơi rẻo cao.

 

Người Mông ở Mèo Vạc theo hủ tục còn quan niệm: Khi có người thân chết, gia đình có bao nhiêu anh em trai thì phải làm bấy nhiêu trâu bò để tiễn đưa người chết về với tổ tiên
 

Đằng sau những hình ảnh xa xỉ, lãng phí với mong muốn linh hồn người chết ra đi vui vẻ, đó là hàng trăm câu chuyện giở khóc, giở cười, mất nhiều hơn được. Không chỉ tổ chức dài ngày, đặt xác người chết cho đến thối rữa, người Mông ở Mèo Vạc theo hủ tục còn quan niệm: Khi có người thân chết, gia đình có bao nhiêu anh em trai thì phải làm bấy nhiêu trâu bò để tiễn đưa người chết về với tổ tiên. Nếu làm sai một khâu, một bước trong thủ tục tang ma đó thì người chết sẽ quay ngược trở lại với người sống và gây ra những hệ lụy ốm đau bệnh tật, thậm chí là cả gia đình, dòng họ sẽ chết theo. Quan niệm ăn sâu vào tiềm thức, tập quán của đồng bào như một lời nguyền tồn tại hàng trăm năm qua khiến mỗi cột mộc sống nơi biên cương chưa thoát ra khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Việc tổ chức đám tang kéo dài từ 5-7 ngày kéo theo nhiều hệ lụy như mất vệ sinh, đặc biệt vô cùng tốn kém

Thông thường theo phong tục khi trong bản có người chết, gia đình phải mổ thật nhiều gia súc để làm ma mời anh em họ hàng, những người đến giúp việc, người đến viếng ăn uống. Việc tổ chức đám tang phải kéo dài từ 5-7 ngày kéo theo nhiều hệ lụy như mất vệ sinh, đặc biệt vô cùng tốn kém. Chính vì vậy, sau khi tổ chức xong đám tang có nhiều gia đình đã nợ hàng chục, hàng trăm triệu đồng dẫn đến khánh kiệt, đói nghèo.

Huyện Mèo Vạc phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, từng bước xóa bỏ hủ tục trong đời sống nhân dân

Ông Và Mí Lúa, thôn Sủng Trà, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc cho biết: Năm ngoái mẹ chết, trong mấy ngày tổ chức đám ma gia đình đã mổ 2 con bò, anh em người thân đem đến 5 con nữa. Theo phong tục địa phương thì ai dắt bò đến thì cũng phải mổ luôn không được để lại nuôi. Mặc dù cũng đã được cấp ủy, chính quyền xã đến tuyên truyền, tuy nhiên để đám ma diễn ra thuận lợi gia đình đã vi phạm hương ước, duy định của thôn, bản. Qua sự việc này, Lúa mong muốn đồng bào cần rút kinh nghiệm trong tổ chức tang lễ, làm như gia đình Lúa sẽ rất tốn kém, sau này phải trả nợ lâu dài, thậm còn nghèo đi.

Bà Cử Thị Sy trú tại tổ 3 thị trấn Mèo Vạc là người hiểu hơn hơn ai hết về những hủ tục mà đồng bào mình đang duy trì, tham gia xóa bỏ hủ tục

Là địa phương có hơn 78% đồng bào Mông sinh sống, huyện Mèo Vạc coi đây là một cuộc “cách mạng” trong thời đại mới. Xác định rõ hủ tục là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống và cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Huyện Mèo Vạc đã ban hành nhiều văn bản, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong tang lễ trở thành nề nếp, tập quán bền vững. Cùng với đó là việc đưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, giúp đồng bào tiếp cận các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước. Đến nay, huyện đã thành lập 199 tổ vận động thôn, tổ dân phố; ra mắt được 43 dòng họ/18 xã, thị trấn ký cam kết thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; vận động 220 dòng họ ký cam kết thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu; Xây dựng 09 mô hình điểm về xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Có 42 đám tang đưa người chết vào áo quan; 316 đám tổ chức không quá 48 giờ; 398 đám không giết mổ nhiều gia súc và chỉ giết mổ 1 con đại gia súc (trâu, bò).

Ở cái tuổi 81 xưa nay hiếm, bà Cử Thị Sy trú tại tổ 3 thị trấn Mèo Vạc khiến tất cả cộng đồng phải kính nể vì quyết tâm của mình. Trọn cuộc đời sống trên đá, thậm chí chuẩn bị chết nằm trong đá, bà là người hiểu hơn hơn ai hết về những hủ tục mà đồng bào mình đang duy trì. Chính vì vậy bà đã chủ động mời cấp ủy, chính quyền và con cháu đến nhà để bạn việc chuẩn bị hậu sự cho mình nếu như bản thân tuổi cao sức yếu không còn trên đời.

Những di nguyện cuối cùng của một người Mông chính gốc đã làm lay động nhiều trái tim của mọi người, đặc biệt với những người thân của bà Sy cũng đã thấu hiểu được ranh giới của nghèo đói và phát triển.

Cuộc chiến” xoá bỏ hủ tục trong tang ma của đồng bào Mông Mèo Vạc chưa có hồi kết, tuy nhiên với những tín hiệu khả quan từ quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân ở địa phương đang thắp lên những tia hy vọng về một tương lai văn minh hơn cho đồng bào nơi đây. Trong đó, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng sẽ là bàn đạp để giúp người Mông xoá bỏ nhiều tập quán lạc hậu, xây dựng con người mới, nếp sống mới, tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Minh Quang – Minh Giàng – Minh Đức (Mèo Vạc)


Ý kiến bạn đọc