Sau khi cơn lũ lịch sử đi qua, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, hậu quả do mưa lũ để lại. Trong đó, việc ổn định nơi ở mới an toàn hơn cho bà con bị mất nhà do lũ cuốn trôi, sạt lở đất hay phải di dời khẩn cấp do nằm trong vùng nguy hiểm đã và đang được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt. Ghi nhận tại xã Bằng Lang, huyện Quang Bình.
Sau cơn lũ, nhưng anh Triệu Kim Tài, Trưởng thôn Tiến Yên và người dân vẫn chưa khỏi bàng hoàng khi quay trở lại ngôi nhà của gia đình nằm dưới chân núi. Cả khu vực gồm 6 căn nhà sàn kiên cố với đầy đủ vườn, ao, chuồng giờ đây chỉ còn lại vài khúc gỗ và ít vật dụng giữa vùng đất đầy sỏi đá |
Thôn Tiến Yên, xã Bằng Lang nằm dưới chân núi Khâu Bôn, ngọn núi cao nhất huyện Quang Bình với 129 hộ sinh sống, trong đó 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đã hơn 10 ngày sau cơn lũ, nhưng anh Triệu Kim Tài, Trưởng thôn Tiến Yên và người dân vẫn chưa khỏi bàng hoàng khi quay trở lại ngôi nhà của gia đình nằm dưới chân núi. Cả khu vực gồm 6 căn nhà sàn kiên cố với đầy đủ vườn, ao, chuồng giờ đây chỉ còn lại vài khúc gỗ và ít vật dụng giữa vùng đất đầy sỏi đá. Thế nhưng với sự chủ động di dời nên tại thôn Tiến Yên không có thiệt hại về người.
Chính quyền xã Bằng lang đã bố trí cho 6 hộ ở tại Nhà văn hoá thôn và điểm trường, chủ động khảo sát lên phương án xây dựng khu tái định cư cho người dân sớm ổn định cuộc sống |
Vụ sạt lở tại thôn Tiến Yên làm hư hỏng gần như hoàn toàn 6 ngôi nhà, 19 hộ bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại khoảng gần 5 tỷ đồng. Ngay sau khi phải hứng chịu thiên tai, chính quyền xã đã bố trí cho 6 hộ ở tại Nhà văn hoá thôn và điểm trường, chủ động khảo sát lên phương án xây dựng khu tái định cư cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, các tổ chức chính trị và các đoàn thiện nguyện đã động viên, hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần giúp các hộ dân có đầy đủ nhu yếu phẩm và các điều kiện tái thiết cuộc sống.
Phương Duyên - Tuấn Đạt
Ý kiến bạn đọc