Ngày 14/10, tại Hà Giang, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ CCVC làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo khu vực Tây bắc. Dự Lớp tập huấn có gần 200 đồng chí là Lãnh đạo, cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể thuộc 12 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và tỉnh Lai Châu.
Quang cảnh hội nghị |
Trong 3 ngày, các học viên đã được các Giảng viên thuộc Viện nghiên cứu chính sách, Ban tôn giáo Chính phủ truyền đạt các chuyên đề về: Quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 95 và những điểm mới Luật đất đai liên quan đến Tín ngưỡng, tôn giáo; Kỹ năng, nghiệp vụ công tác đối với Công giáo; Phật giáo; đạo Tin lành; hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ ở khu vực miền núi; Nhận diện hoạt động lợi dụng tôn giáo vùng Dân tộc thiểu số và công tác đảm bảo an ninh trong tôn giáo vùng dân tộc miền núi…
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. Đảng và Nhà nước tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo qui định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như hoạt động lợi dụng, sử dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Hiện nay, một số hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân; Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo phải nhìn nhận hiện tượng này một cách nghiêm túc, khách quan và khoa học. Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và quần chúng nhân dân về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Tăng cường xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh cho người dân nhằm tạo “sức đề kháng”, “miễn dịch” mạnh mẽ trước hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới mang màu sắc cực đoan, phản văn hóa./.
Đình Anh
Ý kiến bạn đọc