Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Xoá hủ tục – Chống lãng phí

17:32, 25/11/2024

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, tình trạng lãng phí không chỉ xảy ra trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà còn xảy ra ngay trong chính cuộc sống, tiêu dùng hàng ngày của nhân dân, diễn ra dưới nhiều hình thức và việc xây dựng văn hoá tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Với hơn 80% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều tập quán, phong tục lạc hậu, thậm chí là hủ tục. Nhận thức rõ được những hệ lụy, nhất là hệ luỵ về kinh tế do lãng phí bởi các hủ tục, tập quán lạc hậu. Ngay từ năm 2022, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, Nghị quyết đã và đang thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

 
Anh Triệu Cằn Chiều, dân tộc Dao, thôn Khuổi Mạ, xã Đường Hồng, huyện Bắc Mê có ông nội vừa qua đời. Theo quan niệm, phong tục tập quán thì người chết không được đưa vào áo quan, làm đám ma kéo dài hàng tuần và giết mổ rất nhiều gia súc, gia cầm để ăn uống. Tuy nhiên, vượt qua rào cản hủ tục, lạc hậu, anh Chiều kiên quyết làm đám tang theo nếp sống mới. Nhờ đó, thay vì phải tốn hàng trăm triệu đồng thì gia đình anh Chiều chỉ mất một khoản chi phí trên chục triệu đồng để làm ma. Vừa chống lãng phí khi không giết mổ trâu, bò, dê, lợn vô tội vạ, ăn không hết thì đổ đi vừa đảm bảo vệ sinh môi trường sống, môi trường tự nhiên.
Những tập quán, phong tục, hủ tục lạc hậu đã gây hệ luỵ nặng nề về kinh tế

Tại thôn Lùng Cáng, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, gia đình anh Hùng Đình Quý cũng vừa tổ chức đám cưới cho con trai theo nếp sống mới. Trước đây, khi dựng vợ, gả chồng cho con, người dân phải chuẩn bị rất nhiều sính lễ, phải lo số tiền thách cưới rất cao và tổ chức hàng trăm mâm cỗ, ăn uống linh đình trong nhiều ngày…thì nay anh Quý chỉ tổ chức một bữa chính với vài chục mâm khách. Điều này đã giúp cho gia đình anh tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng chi phí cho đám cưới cho con trai.

“Cuộc chiến” xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng chính là cuộc chiến chống lãng phí

 Xây dựng nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đám cưới, đám tang là một trong những nội dung của Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Với quan điểm “Thường xuyên, liên tục, hiệu quả và bền vững”, tỉnh Hà Giang đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai sáng tạo, hiệu quả, sát với thực tiễn của từng địa bàn, từng dân tộc, từng dòng họ, từng gia đình để Nghị quyết từng bước đi vào cuộc sống.

Những tập quán, phong tục, hủ tục lạc hậu đã gây hệ luỵ nặng nề về kinh tế, khiến nhiều hộ đồng bào đã nghèo lại nghèo thêm, đã khó khăn lại nợ nần thêm bởi nhiều nhà phải vay mượn, phải trả nợ tiền, trả nợ miệng. Với hơn 80% đồng bào các dân tộc trong tỉnh là người dân tộc thiểu số và trong đời sống, sinh hoạt còn tồn tại nhiều hủ tục, tập tục lạc hậu thì rõ ràng, sự lãng phí tiền của là vô cùng lớn. Do đó, “cuộc chiến” xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng chính là cuộc chiến chống lãng phí để hướng tới xây dựng văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Thanh Giang- Văn Hương


Ý kiến bạn đọc