Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Những sáng kiến của người lính thợ

16:44, 23/03/2021

 

70 năm trước, ngày 28/3/1951 trên đường đi công tác ở Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ 2 đại đội xe đầu tiên của quân đội ta. Tại đây Bác nói với cán bộ, chiến sĩ “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”. Đã 70 năm qua nhưng lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị và trở thành phương châm chỉ đạo, khẩu hiệu hành động để xây dựng QĐND Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Sáng kiến “Thiết bị cấp dầu khí nén” được ứng dụng vào thực tế

 

Với LLVT tỉnh lời dạy đó đã ăn sâu vào tiềm thức để mỗi Cán bộ, chiến sỹ luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, tự học, tự rèn phát huy tinh thần sáng tạo phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào thực tế đã đem lại hiệu quả cao.

Hiện nay, trang bị kỹ thuật, phương tiện ôtô trang bị cho LLVT tỉnh gồm nhiều chủng loại, nhãn hiệu khác nhau và hầu hết đã qua sử  dụng nhiều năm. Trải qua quá trình phục vụ chiến đấu, huấn luyện, sử dụng thường xuyên… Các phương tiện, trang bị kỹ thuật đã xuống cấp, nhiều xe vận tải quân sự, xe kéo pháo, xe đặc chủng cần được sửa chữa, phục hồi vì đây là những xe có tính năng việt dã cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cơ động của Quân đội. Tuy nhiên, công tác bảo dưỡng, sửa chữa gặp nhiều khó khăn do vật tư, phụ tùng thay thế khan hiếm, không có trên thị trường, nhiều loại phụ tùng thay thế nước ngoài đã ngừng sản xuất, trong nước chưa chế tạo được…Vì vậy để phục hồi tình trạng kỹ thuật bảo đảm cho các trang bị kỹ thuật luôn tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu thì việc áp dụng các biện pháp, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật càng có ý nghĩa thiết  thực.

Sáng kiến “Thiết bị cấp dầu khí nén” của Đại úy Ngô Quang Vinh, Trạm trưởng Trạm sửa chữa đã đạt giải A Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp Quân khu năm 2019 là một sáng kiến đã được ứng dụng vào thực tế đạt hiệu quả cao. Tác giả đã sử dụng bình chữa cháy đã hết hóa chất, lắp vào đó một van nạp để cấp không khí nén vào bình. Khi cần thay, bổ sung dầu nhớt, đưa thiết bị đến vị trí, mở chốt hãm, một tay đưa đầu ti ô dầu ra vào các lỗ tra nạp của các cụm, chi tiết. Tay còn lại bóp cò mở khóa cụm van, lúc này áp lực khối không khí nén trong bình sẽ đẩy dầu từ trong bình theo ống dẫn trong, qua cụm van, ti ô ra ngoài vào các cụm, chi tiết. Khi lượng dầu đủ theo mức quy định thì thôi bóp cò. Thiết bị này sẽ bổ sung dầu vào các vị trí cụm, chi tiết nhanh, gọn, đơn giản, dễ thao tác, bảo đảm vệ sinh, an toàn đặc biệt ở các vị trí chật, hẹp dưới gầm xe.  

 

Sáng kiến “Vam lò xo giảm xóc” mang lại hiệu quả cao khi ứng dụng vào thực tế

 

Trao đổi với Thiếu tá Lê Minh Tấn là thành viên trong nhóm tác giả của sáng kiến Bộ vam tháo, lắp lò xo giảm xóc” chúng tôi được biết: Trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng lò xo, vành đệm cao su giảm sóc trên các loại xe ôtô đang lưu hành gặp rất nhiều khó khăn rất dễ xảy ra mất an toàn khi vô tình không hãm tốt, lực đẩy của lò xo giảm xóc bung ra. Cách thông thường trước khi tháo lắp là dùng các vật tạo đòn bẩy ép lò xo lại, sau đó dùng sợi dây thép buộc hãm, tháo cả bộ giảm sóc ra ngoài sửa chữa, thay thế. Công việc này thường phải có hai người trở lên mà rất dễ xảy ra mất an toàn lao động. Bộ vam lò xo giảm xóc đã hãm chặt không cho lò xo đẩy bung giúp dễ dàng thực hiện công việc tháo, lắp, chất lượng hoàn thành công việc cũng cao hơn và đặc biệt là luôn bảo đảm an toàn lao động. Sáng kiến này đã đạt giải A hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp Quân khu.

Thành công hơn cả là Tay tuýp tháo ốc cải tiến và đây là sáng kiến của cán bộ, nhân viên Trạm sửa chữa, Phòng Kỹ Thuật, Bộ CHQS tỉnh.  Qua trao đổi chúng tôi  được biết: Khi cơ động trên địa hình rừng núi, điều kiện cầu nâng không có, quá trình tháo, lắp các cụm chi tiết ở vị trí chật, hẹp trên xe, muốn thay đổi góc vặn tay tuýp cho thuận tiện, lực xiết gần như vuông góc với tay đòn gặp rất nhiều khó khăn có những lúc không thực hiện được do bộ tuýp tháo ốc được trang bị chủ yếu là loại 6 cạnh, khi thay đổi vị trí một cạnh của tuýp là thay đổi góc vặn của tay đòn là 600  do vậy ở những vị trí không gian chật, hẹp không thể thực hiện được thao tác. Từ những khó khăn đó Trạm sửa chữa đã đã sử dụng sâu truyền lực, trục láp cầu trước xe UOAT đã qua sử dụng để chế tạo tay tuýp và đoạn nối khẩu; 2 chi tiết khớp với nhau bằng 10 rãnh then hoa, khi điều chỉnh tiến hoặc lùi vị trí ăn khớp của 2 chi tiết một răng then hoa tương đương với thay đổi góc vặn của cánh tay đòn là 360 như vậy có thể điều chỉnh tay đòn ở vị trí thuận lợi, lợi về momem xoắn, với sáng kiến này đã giảm rất nhiều công sức người thợ và đặc biệt thuận lợi khi sử lý hỏng hóc của xe trên đường rừng, núi.

Khẳng định về hiệu quả của những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng vào thực tế Thượng tá Hà Ngọc Khương – Chủ nhiệm Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh cho biết “Hướng tới kỷ niệm 70 năm nghành Xe máy  Bộ CHQS tỉnh  đã phát động phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và đã đem lại hiệu quả rất cao, chúng tôi đánh giá rất cao về tinh thần trách nhiệm của anh em trong công việc, xuất phát từ điều kiện rất khó khăn trong công tác sửa chữa đặc biệt đối với những xe Quân đội, anh em cũng đã nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi để phát huy ra những sáng kiến, các sáng kiến đều có ứng dụng rất cao trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa, bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian, bảo đảm nhân công hoàn thành tốt các nhiệm vụ cũng như nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”

Quốc Hoàn (BCH Quân sự tỉnh)

 


Ý kiến bạn đọc