Rạng sáng ngày 17-2-1979, Trung Quốc ồ ạt xua quân xâm lược tuyến biên giới phía Bắc nước ta mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên địa bàn các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang). Tại Hà Giang cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của tổ quốc tại Mặt trận Vị Xuyên kéo dài suốt 10 năm sau đó. Những ngày này các cựu chiến binh, thân nhân thương binh, liệt sỹ cùng đông đảo người dân cả nước đang về thăm lại chiến trường xưa, dâng hương tưởng nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sỹ và chứng kiến sự phát triển, vươn lên xây dựng khu vực biên giới ổn định phát triển.
Đổi thay trên chiến trường xưa…
Mảnh đất biên giới - Nơi diễn ra cuộc chiến năm 1979 |
Ngày 17-2-1979, Trung Quốc đã lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của tám trong 10 đại quân khu tấn công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung là huyện Vị Xuyên. Ðể bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, chín sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn đã trực tiếp tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên. Tại các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, 468, Ðồi Ðài, Cô Ích, Bốn Hầm..., trận chiến đã diễn ra vô cùng ác liệt. Toàn bộ mặt trận Vị Xuyên lúc đó trải rộng trên 20 km2, trở thành vùng đất lửa với những địa danh khốc liệt như: Đồi thịt băm, Thác gọi hồn, Lò vôi thế kỷ, Ngã ba cửa tử… Với sự can đảm và anh dũng phi thường, quân dân Việt Nam đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân xâm lược, buộc họ phải rút quân về bên kia biên giới. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương và hiện tại vẫn còn hàng nghìn liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường Vị Xuyên, chưa quy tập được hài cốt.
Nhiều đoàn CCB và thân nhân các liệt sỹ đến với Đền thờ các anh hùng Liệt sỹ tại điểm cao 468 những ngày tháng 2 |
Trong suốt 10 năm diễn ra cuộc chiến, hàng triệu quả đạn pháo dập xuống làm thay đổi địa hình, địa vật, vùi lấp nhiều tầng đất đá, hàng nghìn nhà dân bị cháy, hỏng, cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn. Đến năm 2022 này sau 43 năm ngày khởi động cuộc chiến, những ký ức của hoang tàn, cháy đổ và khó khăn vẫn in đậm trong ký ức Bà: Lộc Thị Sao. Sinh ra tại xã Thanh Thủy Vị Xuyên cuộc đời bà đã phải chứng kiến cuộc chiến bảo vệ biên giới khốc liệt nhất và cũng được chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ trên mảnh đất quê hương.
Cùng với việc tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, xây dựng một đường biên giới ổn định và phát triển, Hà Giang đã và đang tập trung ưu tiên cho công tác tri ân các anh hùng liệt sỹ với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đưa vào Nghĩa trang Vị Xuyên; giúp hàng trăm đồng chí là thương binh không còn giấy tờ được hưởng chế độ chính sách thương binh. Tổ chức rà phá bom mìn, vật cản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh văn minh./.
Đình Anh - Hồng Duyên
Ý kiến bạn đọc