Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hành trình hy vọng của người thanh niên yêu nước

15:09, 03/06/2021

Ngày 5-6-1911, cách đây vừa đúng 110 năm, tại Bến cảng Nhà Rồng lịch sử, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với lòng yêu nước sâu sắc, đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu đất nước khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba, nhận làm phụ bếp cho tàu Amiral Latouche Tréville rời quê hương sang Pháp, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước.

Ra đi để tìm ánh sáng

Sau khi qua nhiều quốc gia, cuối năm 1917, Nguyễn Ái Quốc (tên hoạt động cách mạng thời kỳ này của Chủ tịch Hồ Chí Minh) trở lại Pháp. Đó cũng là thời điểm mà Cuộc cách mạng XHCN Tháng Mười Nga vĩ đại vừa diễn ra thành công ở nước Nga. Cuộc cách mạng này, như nhà báo Mỹ John Reed tận mắt chứng kiến và nhận định trong cuốn sách cùng tên, là “Mười ngày rung chuyển thế giới”, báo hiệu ngày thắng lợi của nhân dân lao động bị áp bức trên toàn thế giới đang đến gần.

Hành trình hy vọng của người thanh niên yêu nước
 Nguyễn Ái Quốc năm 1923. Ảnh tư liệu

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra ở nước Nga, tôi sống ở Pháp… Những người vô sản Pháp đã giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa vĩ đại của những sự kiện lịch sử diễn ra ở nước Nga”. Thời gian này, nhờ tham gia Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã có cơ hội tiếp nhận thêm nhiều thông tin về nước Nga Xô-viết, về lãnh tụ Lê nin và những người cộng sản Bolshevich.

Ngày 16 và 17-7-1920, Báo Nhân đạo (L’Humanite), cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp đã đăng toàn văn Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa do V.I.Lênin soạn thảo. Bài viết này ngay lập tức thu hút được sự chú ý của Nguyễn Ái Quốc, bởi anh rất quan tâm đến vấn đề thuộc địa. Luận cương của Lênin đến với Nguyễn Ái Quốc như một luồng ánh sáng mới soi rọi rõ thêm con đường cứu nước mà người thanh niên yêu nước vẫn trên đường tìm kiếm bấy lâu. “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: ”Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Đây là cái cần thiết với chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. - Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết như thế về thời điểm lịch sử đầy ý nghĩa này. Ngày 30-12-1920, Nguyễn Ái Quốc cùng đa số đại biểu Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp chủ trương gia nhập Quốc tế III đã nhóm họp và tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế cộng sản, tức Đảng Cộng sản Pháp. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã quyết định đi theo con đường của Lênin vĩ đại.

Đến với quê hương Cách mạng Tháng Mười

Một ngày tháng 6 năm 1923. Đã 12 năm trôi qua kể từ tháng 6-1911, khi con tàu Amiral Latouche Tréville rời bến cảng Nhà Rồng đưa theo người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. 

Thứ Bảy. Ngày 30-6-1923 tại thành phố Petrograd của nước Nga Xô viết. Chuyến tàu thủy Liên Xô mang tên Karl Liebknecht (nhà hoạt động cách mạng Đức, 1871-1919), từ Hamburg cập cảng Petrograd. Một thanh niên mảnh khảnh làm thủ tục nhập cảnh với họ tên "Chen Vang". Theo giấy tờ, anh là một nhiếp ảnh gia đến từ Đông Dương. Sự xuất hiện của Chen Vang không gây được sự chú ý gì đặc biệt của các nhân viên an ninh Cheka thời đó.

Hành trình hy vọng của người thanh niên yêu nước
Nguyễn Ái Quốc và các đại biểu dự Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản. Ảnh tư liệu

Chen Vang còn lưu lại ở thành phố trên sông Neva 2 tháng. Đến tháng 9, sau khi đã hoàn tất các thủ tục giấy tờ và có sự chứng nhận của đại diện Đảng cộng sản Pháp ở Quốc tế cộng sản, Chen Vang mới lên tàu đến thủ đô nước Nga Xô viết.

Và, như chúng ta đã biết, Chen Vang chính là bí danh hoạt động năm 1923 của Nguyễn Ái Quốc, là Bác Hồ của chúng ta. Nguyễn Ái Quốc được Đảng cộng sản Pháp cử đi dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản, với danh nghĩa là đại biểu dân tộc thuộc địa. Ngày 13-6-1923, Nguyễn bí mật rời Paris, lên đường sang Đức. Sau đó 5 ngày, do đã có sự chuẩn bị từ trước, anh rời Hamburg đến nước Nga Xô viết. Lên thủ đô Moskva, Nguyễn Ái Quốc được xếp chỗ ở trong khách sạn Lux trên phố Tverskaya, ngay gần Quảng trường Đỏ.

Báo Luận chứng và sự kiện (Nga) trong một bài báo có tên "Chàng trai mặc chiếc áo len. Hồ Chí Minh đã đến Petrograd và Moskva ra sao", ra ngày 19-5-2018, nhân kỷ niệm 128 năm sinh nhật Người, đã cho biết Nguyễn Ái Quốc được nhận ngay vào Ban Phương Đông, Quốc tế cộng sản. Hình tượng "chàng trai mặc chiếc áo len" mà tít báo "Luận chứng và sự kiện" sử dụng là lấy từ bài báo của nhà báo Xô viết Osip Mandelstam, mô tả cuộc gặp gỡ với Nguyễn Ái Quốc vào năm 1923. Bài báo này được đăng trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ tháng 12-1923. Osip mô tả đó là một chàng trai gầy mảnh khảnh, hoạt bát, mặc áo len và cũng trong bài báo này, nhà báo Xô viết đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai".

Tờ "Luận chứng và sự kiện" viết: ”Osip Mandelstam - tác giả bài báo năm 1923 về cuộc gặp với "chiến sĩ cộng sản quốc tế" Nguyễn Ái Quốc nhiều năm sau đã trở thành một trong những nhà thơ Nga vĩ đại nhất thế kỷ XX. Còn người được ông phỏng vấn, là Hồ Chí Minh, "người đã đi vào lịch sử như cha đẻ của nước Việt Nam độc lập, lãnh tụ của cách mạng dân tộc".

Được biết, sau khi đến Moskva, tháng 10-1923, Nguyễn Ái Quốc tham gia Hội nghị thứ nhất Quốc tế Nông dân với tư cách là đại biểu chính thức của nông dân Đông Dương. Người cũng theo học một khóa ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông, nơi đào tạo cán bộ cách mạng cho các nước thuộc địa và phụ thuộc. Từ ngày 17-6 đến 8-7-1924, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản và phát biểu nêu rõ quan điểm về cách mạng dân tộc dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười. Cũng trong năm 1924, Người còn được mời dự Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội, Đại hội lần thứ IV Quốc tế Thanh niên… Ngoài ra, Người còn dành thời gian viết nhiều bài báo sắc bén đăng trên các báo, tạp chí Liên Xô, đáng chú ý là hoàn thành tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp…

Hành trình hy vọng của người thanh niên yêu nước
Bức ảnh hiếm về đời thường của Nguyễn Ái Quốc năm 1924: Người chụp ảnh kỷ niệm với các đoàn viên Công xã Leninsky Zakal, Moskva, 10-1924. Ảnh sưu tầm từ tạp chí SMENA, 12-1924. Ảnh tư liệu.

Như vậy, có thể thấy, mới chỉ hơn 1 năm có mặt tại đất nước Xô viết, Nguyễn Ái Quốc bằng các hoạt động sôi nổi của mình đã trở thành một chiến sĩ cộng sản có uy tín, được giao những trọng trách của Quốc tế nông dân và Quốc tế Cộng sản. Tầm vóc của một nhà cách mạng đã bước đầu được khẳng định.

Báo Luận chứng và sự kiện (số đã dẫn) đã kết thúc bài báo về Hồ Chí Minh khi dẫn lại câu nói của Người sau này: "Từ tuổi ấu thơ cho đến khi trưởng thành, tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác tự do, vui và hạnh phúc vô biên như khi ở Moskva. Tuy nhiên, tôi tính từng ngày để khi bế mạc Đại hội Quốc tế cộng sản là lên đường ngay để bắt đầu thực tiễn hoạt động cách mạng".

Mong ước được trở về quê hương giải phóng đồng bào của mình cũng được Nguyễn Ái Quốc thể hiện, khi trả lời phỏng vấn của báo L’Unità của Đảng cộng sản Italia, tháng 3-1924: ”Tôi sẽ trở về Tổ quốc tôi để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi. Ở bên chúng tôi có nhiều việc phải làm lắm…”.

Tháng 10-1924, từ nhà ga Yaroslavsky (Moskva), Nguyễn Ái Quốc lên tàu đến Vladivostok, rồi đi tiếp đến Quảng Châu. Là cán bộ của Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Người được giao nhiệm vụ theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước châu Á. Một cuộc chiến đấu mới với nhiều thử thách đang đón chờ người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc. Tháng Sáu, đối với Bác Hồ trở thành một khoảng thời gian đáng nhớ. Tháng 6-1911, Người rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Mười hai năm sau, tháng 6-1923, Người đặt chân đến nước Nga Xô viết, để tiếp tục “con đường giải phóng” theo ánh sáng của bản Luận cương năm nào đã được đọc ở Paris.

Tàu Karl Liebknecht chở Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô lần đầu tiên vào cuối tháng 6-1923. Thời đó, ở Liên Xô có 2 chiếc khác cùng mang tên này. Chiếc thứ nhất trước năm 1918 có tên là "Vua Albert", sau 1918 đổi là Karl Liebknecht, nhưng sau này được trưng dụng vào mục đích quân sự. Phạm vi phục vụ của nó chỉ ở vùng lưu vực sông Volga, không hoạt động liên quốc gia.

Hành trình hy vọng của người thanh niên yêu nước
Tàu Karl Liebknecht chở Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô lần đầu tiên, tháng 6-1923. (Ảnh chụp vào năm 1921, được tìm thấy trong bộ sưu tập của B.V.Lemachko)

Chiếc thứ hai là tàu Karl Liebknecht, được mang tên này từ ngày 11-10-1922. Trước đó, nó mang tên Pallada (8-1915/7-1916), Vận tải số 73 (7-1916/9-1916), từ tháng 9-1916 trở đi mang lại tên Pallada cho đến khi được đổi tên là Karl Liebknecht vào năm 1922. Điều quan trọng nhất, là từ năm 1922 cho đến 1938, nó được đăng ký tại cảng Petrograd, trực thuộc Xí nghiệp vận tải thủy Baltich của Bộ hàng hải Liên Xô. Đây chính là tàu thủy đã chở Nguyễn Ái Quốc lần đầu đến Petrograd năm 1923, tròn 98 năm trước. Nó do công ty AG Howaldtswerke (Đức) đóng, được hạ thủy ngày 19-2-1900. Tàu này những hoạt động vào ngày 26-8-1954. Từ năm 1938 đến khi ngừng hoạt động, nó được đăng ký tại Odessa và Vadivostok.

Nguồn: Quân đội nhân dân

 


Ý kiến bạn đọc