Hổ Đông dương. (Ảnh: Đặng Huy Phương)
Dũng mãnh, quyền uy và luôn biểu hiện cho khát vọng sinh tồn của rừng xanh, “chúa sơn lâm” từ lâu đã trở thành biểu tượng cho những gì mạnh nhất. Cùng bàn luận về những cái nhất và những điều ít ai biết của loài thú quý hiếm này để hướng đến mục tiêu bảo tồn bền vững hổ.
Loài nguy cấp nhất
Có mặt trong tự nhiên tại 13 quốc gia từ châu Á sang châu Âu (khu vực Siberia của nước CHLB Nga), hổ được đánh giá là loài động vật nguy cấp nhất và là biểu tượng của chuỗi thức ăn sinh thái.
Loài được kỳ vọng phục hồi nhanh nhất
Từ hàng triệu cá thể cách đây hàng nghìn năm, do nạn săn bắt, loài hổ đã dần suy giảm và chỉ còn khoảng 3.200 cá thể vào năm 2010. Với quyết tâm của các quốc gia có hổ phân bố, hổ được kỳ vọng sẽ nhân đôi trong vòng 1 giáp (2010-2022) tức là đạt đến con số 7.000 cá thể khi bước vào năm Nhâm Dần (2022). Tuy chưa đạt đến con số kỳ vọng trên và vẫn là loài bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng hổ đã dần phục hồi và ở con số 4.864 cá thể vào ngày 31/12/2021 theo thống kê của Diễn đàn hổ toàn cầu. Điều này phản ánh nỗ lực không ngừng của toàn thế giới trong công cuộc bảo tồn hổ và sinh cảnh sống của hổ thông qua việc thực hiện Chương trình phục hồi hổ toàn cầu (GTRP) và Chương trình phục hồi hổ quốc gia (NTRP). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc phục hồi sinh cảnh tự nhiên cho hổ cần tới 76 tỷ USD so với mức đầu tư 5,6 tỷ USD như hiện nay.
Hổ Bengal |
Trong lịch sử, hổ có 9 phụ loài được ghi nhận gồm: hổ Bengal (Panthera tigris tigris), hổ Caspi (Panthera tigris virgata), hổ Hoa Nam (Panthera tigris amoyensis), hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti), hổ Malay (Panthera tigris jacksoni), hổ Amur (Panthera tigris altaica), hổ Bali (Panthera tigris balica), hổ Java (Panthera tigris sondaica), hổ Sumatra (Panthera tigris sumatrae). Trong tất cả các phụ loài trên thì có 8 phụ loài phân bố trong tự nhiên ở các nước châu Á (12 nước) và duy nhất phụ loài hổ Amur tồn tại ở vùng Siberia (CHLB Nga). Điều đặc biệt là cho đến nay phụ loài hổ Amur vẫn tồn tại. Trong khi đó, các phụ loài hổ Caspi, Bali và Java đều đã tuyệt chủng. Lý giải cho điều này có thể do hổ là loài thú lớn và việc tồn tại trên các đảo, quần đảo không phải là điều kiện sinh cảnh tối ưu cho chúng phát triển.
Phụ loài lớn nhất và phụ loài nhỏ nhất
Hổ Siberia (hổ Amur) là phụ loài lớn nhất. Cá thể Siberi đực có thể cao tới 3,7m và nặng hơn 423 kg, cá thể cái có chiều dài lên đến 2,4 m và nặng 168 kg. Hổ Đông Dương đực, mặc dù nhỏ hơn hổ Siberia về kích thước cơ thể với chiều dài 2,85 m và nặng 195 kg, nhưng có hộp sọ dài nhất trong tất cả các phân loài hổ, với kích thước 319 đến 365 mm. Hổ Sumatra là phụ loài nhỏ nhất. Cá thể hổ Sumatra đực cao 2,34 m và nặng 136 kg; cá thể cái cao 1,98 m và nặng 91 kg.
Loài thích độ cao nhất và có vùng hoạt động rộng
Danh hiệu “chúa sơn lâm” luôn dành cho hổ do loài thú này có sức mạnh tuyệt đối và phải chăng bắt nguồn từ việc chúng luôn ở những vị trí cao, thích sống ở những vùng cao. Mặc dù hổ sống ở nhiều sinh cảnh khác nhau nhưng thích hợp nhất là rừng thứ sinh, rừng ven bãi cỏ, rừng thường xanh đất thấp nhiệt đới, rừng gió mùa, rừng gai khô, rừng cây sồi và bạch dương, rừng cỏ cao và đầm lầy ngập mặn. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy đã có sự xuất hiện của hổ ở độ cao 3.960 m so với mực nước biển. Hổ cũng có thể sống trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả nhiệt độ xuống rất thấp (âm 40oC và khi tuyết rơi). Bên cạnh đó, hổ là loài chiếm lĩnh không gian rộng lớn với mức bao phủ rộng, đặc biệt là phụ loài hổ Bengal có thể di chuyển trong diện tích 9.252 km2.
Loài thú ăn thịt có cơ thể lớn nhất
Hổ là loài có cơ thể lớn nhất trong thú họ Mèo và là loài thú ăn thịt lớn thứ ba sau gấu nâu và gấu Bắc cực. Đây cũng là loài bơi giỏi và không sợ nước, có thể bơi 29 km trong một ngày và có thể vừa bơi vừa tấn công người hoặc các loài động vật khác. Trên cạn, hổ chỉ xếp sau báo gấm khi tốc độ chạy đạt 65 km/h. Đặc biệt, hổ là loài thú có hàm răng lớn với răng nanh của cá thể trưởng thành dài 9 cm. Đây cũng là loài ăn khoẻ nhất với 29 kg thịt hằng ngày cho một cá thể hổ có kích thước trung bình. Ngược lại, do ăn khỏe nên hổ có thể nhịn đói 3 ngày.
Loài có nhiều khu bảo tồn nhất
Theo thống kê của Diễn đàn Hổ toàn cầu (GTF) năm 2021, 13 nước có hổ phân bố trong tự nhiên đã xây dựng 137 khu bảo tồn hổ. Như vậy, hổ là loài động vật được ưu tiên nhất trên toàn thế giới. Đặc biệt, nhiều khu bảo tồn hổ được xây dựng từ rất sớm như Khu dự trữ thiên nhiên Ussurisky CHLB Nga (diện tích: 404,32 km2) được thành lập năm 1932 và Khu dự trữ thiên nhiên Sikhote-Alinsky, CHLB Nga (diện tích: 4.469 km2) được thành lập năm 1935. Ngược lại, Ấn Độ là quốc gia quan tâm bảo tồn hổ nhất với 52 khu bảo tồn hổ, trong đó có khu bảo tồn hổ Nagarjunsagar Srisailam (diện tích lớn nhất: 3.296,31 km2), khu bảo tồn hổ Indravati (diện tích lớn nhất: 2.799,07 km2), Khu bảo tồn hổ Manas (diện tích: 2.837,1 km2), Khu bảo tồn hổ Melghat (diện tích: 2,768.52 km2). Tại Việt Nam, khu bảo tồn hổ đầu tiên là khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp (Sơn La) được thành lập năm 1986 và cho đến nay đã có 7 khu bảo tồn hổ ở Việt Nam gồm Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp (63 km2), Vườn quốc gia Yok Đôn (1.155,45 km2), Vườn quốc gia Chư Mom Ray (566,21 km2),Vườn quốc gia Vũ Quang (540 km2), Vườn quốc gia Pù Mát (934 km2), Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (238.15 km2), Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (766 km2).
Loài chỉ săn mồi vào ban đêm
Hổ sống độc lập và chỉ phụ thuộc vào các cá thể khác trong thời kỳ động dục. Điều đặc biệt là khi đủ 18 tháng tuổi, thì hổ (cả đực và cái) tự tìm thấy lãnh thổ riêng cho mình. Chúng đi săn mồi chủ yếu vào ban đêm, di chuyển với tốc độ nhanh và không gây ra tiếng động. Nghiên cứu của các nhà bảo tồn cho thấy hổ hoạt động trước 8 giờ sáng và sau 6 giờ chiều khi con mồi của chúng hoạt động mạnh nhất. Đặc biệt với khả năng nhạy vọt (xa) từ 8-10 m, hổ tấn công rất nhiều loài động vật thông qua việc sử dụng khả năng đánh hơi và nghe hơn là quan sát. Các con mồi của hổ rất đa dạng gồm: nai, hươu, nai sừng tấm, bò tót, bò rừng, trâu nước, lợn rừng, bò nhà, trâu nước, ngựa dê. Hổ còn tấn công heo vòi, voi, tê giác con. Hổ thường xuyên tấn công và ăn thịt gấu nâu, gấu đen, gấu lười, gà lôi, báo hoa mai, cá, cá sấu, rùa, nhím.
Loài có tuổi thọ tương đối ngắn
Mỗi lứa đẻ của hổ thường 2-3 con và cũng có thể 5-6 con. Tuy nhiên, chỉ 1-2 con trong một lứa có khả năng sống sót sau 2 năm đầu. Những cá thể này trong tự nhiên chỉ đạt tuổi thọ không quá 15 năm. Những cá thể được nuôi nhốt trong các vườn thú đạt tuổi thọ cao hơn, khoảng 40-50 năm.
Loài có nhiều mối đe dọa nhất
Là loài thú mạnh nhất của rừng xanh, hổ đồng thời cũng gặp nhiều mối đe doạ nhất. Có thể kể đến: mối tương tác gần gũi người-hổ dẫn đến hổ là mục tiêu dễ bị săn bắt, giết hại, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp; khai thác rừng không bền vững nhằm đáp ứng sinh kế của người dân; cháy rừng; mất sinh cảnh do thay đổi mục đích sử dụng đất rừng; vùng phân bố bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng; các xung đột địa phương; khai thác khoáng sản; ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất.
Nước có nhiều hổ tự nhiên nhất
Ấn Độ là quốc gia có nhiều hổ tự nhiên nhất không chỉ ở châu Á mà trên toàn thế giới. Quốc gia Nam Á này sở hữu 2.967 cá thể hổ Bengal, chiếm hơn 70% hổ toàn cầu. Thành công của quốc gia Nam Á này bắt nguồn từ việc thực hiện triệt để nhiều giải pháp quan trọng: tăng cường thực thi luật, thực hiện kế hoạch xây dựng các khu bảo tồn chuyên biệt cho hổ, xây dựng các hành lang bảo tồn nhằm ngăn chặn xung đột người-hổ, sử dụng công nghệ để giám sát quần thể, thực hiện các thỏa thuận, hợp tác song phương về bảo tồn hổ. Trên tất cả, tín ngưỡng của đa phần người dân Ấn Độ đều không sử dụng thịt đã góp phần giảm thiểu tối đa các hành vi săn bắt, vận chuyển, buôn bán hổ. Tất cả dẫn đến thành quả vượt mục tiêu của Ấn Độ đề ra năm 2010: khôi phục và phát triển lượng hổ tự nhiên ở mức 2.100 cá thể vào năm 2022. Ấn Độ cũng là quốc gia duy nhất thực hiện đúng cam kết và tăng số lượng hổ trong Tuyên bố chung tại Saint Petersburg (CHLB Nga). Quốc gia Nam Á này cũng vượt xa số hổ tự nhiên tại quốc gia xếp thứ hai là CHLB Nga với 433 cá thể hổ Amur. Nga chỉ đạt 86,6% mục tiêu đề ra (500 cá thể). Quốc gia xếp đầu ở khu vực Đông Nam Á chỉ đạt gần 50% mục tiêu đề ra với 371 cá thể hổ Sumatra.
Nước có ít hổ tự nhiên nhất
Điều đáng buồn là Việt Nam, Lào và Campuchia đều góp mặt. Cả 3 quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương đều đã từng có phân bố loài hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti) nhưng giờ theo các số liệu thống kê mới nhất thì hổ đã tuyệt chủng cục bộ ở cả 3 nước. Ngược lại nạn săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái pháp luật hổ và các sản phẩm từ hổ ở cả Việt Nam, Lào và Campuchia đều đứng ở top các nước có nhiều hành vi vi phạm.
Nước có nhiều phụ loài hổ phân bố
Đó là Trung Quốc với sự xuất hiện trong tự nhiên của 3 phụ loài: hổ Amur, hổ Bengal và hổ Đông Dương. Đây cũng là quốc gia có chung đường biên giới có phân bố hổ với nhiều quốc gia khác như: Việt Nam, Lào, Bhutan, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, CHLB Nga. Xếp thứ hai là Thái Lan với hổ Đông dương và hổ Malay với việc sử dụng chung đường biên giới có hổ với Campuchia, Lào, Malaysia và Myanmar.
Nguồn: Nhân dân
Ý kiến bạn đọc