Sự hiện hữu của những trò chơi dân gian, đồ chơi, mâm cỗ Trung thu mang đậm phong vị truyền thống đã không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của xã hội, mà còn là minh chứng cho những giá trị văn hóa cổ truyền và sức sống trường tồn của văn hóa truyền thống Việt Nam trong xã hội hiện nay.
Nhiều em nhỏ được bố, mẹ đưa đến phố Hàng Mã để lựa chọn đồ chơi cho dịp Tết Trung thu. (Ảnh: Lê Khánh). |
Những ngày này, không khí Tết Trung thu dường như đã lan tỏa ở các địa phương trên khắp cả nước. Điểm đặc biệt của năm nay là vẻ đẹp độc đáo của Trung thu truyền thống đã được thể hiện rõ nét hơn như một sự tôn vinh văn hóa Việt với những loại đồ chơi, trò chơi dân gian đang thu hút nhiều bậc phụ huynh và trẻ nhỏ.
Từ lâu, phố Hàng Mã (Hà Nội) đã trở thành điểm đến của nhiều người trong dịp Tết Trung thu. Dịp này, phố Hàng Mã đã trở thành “chợ Trung thu” với rất nhiều loại đèn ông sao, đèn lồng, đèn cù, đầu lân, mặt nạ… và nhiều loại đồ chơi truyền thống khác. Trước thềm dịp Tết Trung thu năm nay, tò he là một món đồ chơi được nhiều phụ huynh và trẻ em quan tâm, tìm mua. Những hình thù sống động, ngộ nghĩnh, bắt mắt của các nhân vật hoạt hình hay các con vật được nặn lên từ những bàn tay nghệ nhân khéo léo đã khiến cho nhiều trẻ em rất thích thú.
Chị Lê Thị Thanh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, để chuẩn bị đón Tết Trung thu, vợ chồng tôi đều mua một vài con tò he về cho các con chơi và các con cũng đều rất thích. Không chỉ là nét đẹp truyền thống, hình ảnh tò he còn gợi nhớ trong tôi nhiều kỷ niệm về Tết Trung thu những ngày còn nhỏ…”.
Cũng tại Hà Nội, không gian phố Phùng Hưng những ngày này cũng rực rỡ sắc màu của đèn lồng và nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu đồ chơi Trung thu. Khách tham quan được trải nghiệm các loại đồ chơi như: Ông tiến sĩ, ông đánh gậy, phỗng đất… và các loại đèn Trung thu với nhiều kích cỡ khác nhau. Đặc biệt, mọi người còn được giao lưu, trò chuyện trực tiếp với những nghệ nhân làm đèn ông sao, đèn kéo quân, nghệ nhân làm phỗng đất… Đồng thời, được hướng dẫn tham gia những trò chơi dân gian: Ô ăn quan, cướp cờ, đánh chuyền, kéo co, bịt mắt bắt dê, cà kheo, múa sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò…
Đèn lồng cung đình cỡ lớn được trưng bày ở không gian bên ngoài Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao TP Huế, một bên dòng sông Hương thơ mộng. (Ảnh: Lê Chung). |
Tại TP Huế (Thừa Thiên Huế), hơn 1.000 đèn lồng với đa dạng các chủng loại hội tụ về không gian "Trưng bày và sắp đặt đèn lồng truyền thống" bên dòng sông Hương đã tạo ra không khí vui tươi, sinh động cho du khách trong những ngày gần Tết Trung thu. Các loại đèn lồng được trưng bày bao gồm đèn lồng cung đình Huế, đèn lồng của các cơ sở sản xuất, làng nghề ở Thừa Thiên Huế như đèn lồng làm từ mây tre truyền thống, đèn lồng Trúc Chỉ, đèn lồng xếp... Được biết, không gian "Trưng bày và sắp đặt đèn lồng truyền thống" là một chương trình đặc sắc trong chuỗi các hoạt động Lễ hội mùa Thu 2022 theo định hướng Festival Bốn mùa. Việc trưng bày đèn lồng được thực hiện nhằm mục đích tạo sân chơi cho trẻ em với nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp trẻ lưu giữ những ký ức tuổi thơ rộn ràng đầy màu sắc nhân dịp Tết Trung thu. Hoạt động cũng nhằm góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, phát triển và quảng bá thương hiệu đèn lồng.
Thực tế, không chỉ ở Hà Nội, Huế mà dịp Tết Trung thu năm nay, tại hầu hết các địa phương trong cả nước, các món đồ chơi truyền thống, những trò chơi dân gian đã và đang thu hút sự chú ý phụ huynh cùng các bạn nhỏ. Theo các chuyên gia văn hóa, giữa sự phát triển của đời sống xã hội với vô vàn các loại đồ chơi hiện đại, việc các đồ chơi, trò chơi truyền thống vẫn giữ được vị trí trong dịp Tết Trung thu hằng năm là tín hiệu thực sự tích cực. Những con giống tò he, những chiếc đèn lồng độc đáo, những mặt nạ giấy bồi ngộ nghĩnh… đã dần gắn bó với tuổi thơ của nhiều trẻ em Việt hiện nay. Sự hiện hữu của những trò chơi dân gian, đồ chơi, mâm cỗ Trung thu mang đậm phong vị truyền thống đã không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của xã hội, mà còn là minh chứng cho những giá trị văn hóa cổ truyền và sức sống trường tồn của văn hóa truyền thống Việt Nam trong xã hội đương đại.
Ở góc nhìn khác, tuổi thơ của các thế hệ người Việt luôn gắn liền với các dịp Tết Trung thu nhiều sắc màu. Trong bối cảnh giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, các dân tộc đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Tết Trung thu ngày càng đậm chất truyền thống hơn còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về vẻ đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, trực tiếp góp phần thực hiện tốt quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”./.
Nguồn: Đảng cộng sản
Ý kiến bạn đọc