Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Ngành giáo dục tỉnh Hà Giang với mục tiêu “Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật”

17:19, 04/09/2023

Ngày 5/9, trên 265.000 học sinh của 820 cơ sở giáo dục toàn tỉnh sẽ bước vào năm học mới. “Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật” là mục tiêu xuyên suốt mà tỉnh Hà Giang đã xác định để nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030. Để đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh sẽ cần giải quyết tốt những vấn đề về thiếu giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, lấy giáo dục phổ thông làm nền tảng, giáo dục nghề nghiệp làm trọng tâm và giáo dục đại học làm đột phá chiến lược.

 

Ngày 5/9, trên 265.000 học sinh của 820 cơ sở giáo dục toàn tỉnh sẽ bước vào năm học mới.

Kết thúc năm học 2022-2023, việc huy động học sinh đến trường, duy trì sĩ số các cấp học được cải thiện hơn những năm học trước. Chất lượng giáo dục đại trà cơ bản được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết, trách nhiệm, có khả năng thích ứng, chuyển đổi trạng thái linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ. Chương trình giáo dục phổ thông mới từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn, đẩy mạnh áp dụng phương pháp đổi mới. Chế độ chính sách đối với người học được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt trong năm học vừa qua, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị trường học theo hướng tinh gọn, phủ khắp 11 huyện, thành phố trường PTDT Nội trú cấp THPT, thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang.

Chế độ chính sách đối với người học được thực hiện nghiêm túc

Bước vào năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chất lượng giáo dục vẫn còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các địa phương. Cơ sở vật chất mới đáp ứng 64,1%; trang thiết bị, đồ dùng dạy học tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tối thiểu với các cấp học còn thấp, cụ thể thiết bị dạy học tối thiểu bậc học Mầm non là 46,9%, Tiểu học là 46,4%; THCS là 43,1%; THPT là 54,1%. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn tỉnh còn thiếu hơn 2.900 người, nhất là các môn đặc thù theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên là chống bệnh thành tích, trong đó cần đánh giá đúng chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng học sinh, chất lượng các trường chuẩn quốc gia, đảm bảo dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật.

Đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030 sẽ được tỉnh ban hành trong thời gian tới. Đề án thể hiện sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang cho sự nghiệp quốc sách hàng đầu. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, sự nỗ lực của các thầy cô giáo và học sinh sẽ luôn là tiền đề cho một năm học đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao tỉnh Hà Giang./.

Hương Giang- Văn Bính


Ý kiến bạn đọc