Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Chính sách cho giáo viên trong đề án Nâng cao chất lượng giáo dục

20:15, 20/11/2023

Dành gần 750 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023-2030. Bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền cho nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030 là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

Toàn tỉnh có 18.092 cán bộ, giáo viên công tác trong lĩnh vực giáo dục

Toàn tỉnh có 18.092 cán bộ quản lý, công chức, giáo viên, giảng viên, nhân viên. Tính theo định mức, toàn tỉnh thiếu khoảng 2.947 giáo viên, nhân viên. Đến năm 2025, dự kiến thiếu khoảng 3.283 người, đến năm 2030 thiếu khoảng 5.950 người. Tỷ lệ giáo viên trên một lớp hiện tại đều chưa đảm bảo theo quy định tối đa ở tất cả các cấp học. Số giáo viên đạt trình độ chuẩn, trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 87,12%. Như vậy, một trong những vấn đề khó khăn nhất của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục là “lấp đầy” số lượng giáo viên cả về số lượng và chất lượng.

Toàn tỉnh hiện còn thiếu khoảng 2.947 giáo viên, nhân viên

Xây dựng cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030, trong đó tính đến các chính sách đặc thù cho cán bộ, giáo viên là đòi hỏi tất yếu. Đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030 chỉ rõ việc duy trì, phát huy hiệu quả các chính sách hiện có của Trung ương và của tỉnh. Rà soát sửa đổi những chính sách để phù hợp với thực tế về phát triển giáo dục trong từng giai đoạn. Đề xuất với các Bộ, ngành kiến nghị Chính phủ ban hành, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đặc biệt khó khăn.

Để thực hiện các hoạt động phát triển chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, UBND các huyện, thành phố bố trí ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định, nhất là kinh phí chi thường xuyên ngoài lương theo biên chế tại các cơ sở giáo dục. Đảm bảo kinh phí hợp đồng giáo viên, kinh phí chi trả dạy tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1, dạy thừa giờ, dạy trực tuyến, trợ giảng các lớp học trực tuyến… cho giáo viên các cấp học đối với các cơ sở giáo dục thiếu giáo viên và không đảm bảo định mức giáo viên theo quy định. Trên tinh thần quyết tâm chính trị cao từ Đề án, cùng với đó là tâm huyết, trách nhiệm, sự nỗ lực hết mình của đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên. Đây sẽ là tiền đề thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030. 

Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023-2030 đã đi vào thực tiễn và được các địa phương, các cơ sở giáo dục cụ thể hóa trên tinh thần coi trọng sự nghiệp quốc sách hàng đầu và hướng đến nền giáo dục “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Trên cơ sở đó, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Hương Giang - Văn Thao


Ý kiến bạn đọc