Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

15:37, 14/12/2021

“Quyết tâm xây dựng, phát triển nền đối ngoại Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, theo trường phái Cây tre Việt Nam” là một trong những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào sáng ngày 14/12. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Khóa XV tỉnh Hà Giang, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, TT HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh.

 

 
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chủ trì tại điểm cầu của tỉnh Hà Giang

Báo cáo thành tựu, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khẳng định: Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế luôn được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định, văn bản để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế. Hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 30 nước. Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã kịp thời viện trợ vật tư y tế, tài chính cho trên 50 quốc gia, tổ chức quốc tế và đã nhận được trên 151 triệu liều vacxin, đạt 100% mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại cũng được triển khai đồng bộ trên tất cả các trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; trên các lĩnh vực: Chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, đã phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ XHCN; Chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; Huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển KT-XH, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới.

Các đại biểu theo dõi bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng, là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị. Đây là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương và cán bộ làm công tác đối ngoại nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vị thế của nước ta trên thế giới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Đối với bất kỳ quốc gia dân tộc nào cũng phải xử lý 2 vấn đề cơ bản là đối nội, đối ngoại. Hai vấn đề có mối quan hệ  gắn kết, chặt chẽ với nhau và trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì công tác đối ngoại vẫn luôn được chú trọng, phát triển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích quan điểm đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Nhìn cho rộng, suy cho kỹ, kiên quyết không ngừng thế tiến công, biết mình, biết người, cương, nhu phù hợp, hiểu rõ mỗi quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng và nước lớn. Tư tưởng nhân văn, nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác đối ngoại là biểu hiện của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại. Việt Nam đã xây dựng được trường phái ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo: Mềm mại, khôn khéo, nhưng kiên cường, quyết liệt, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Công tác đối ngoại đã đạt những thành tựu rực rỡ, góp phần làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được thành quả, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc thế như ngày hôm nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Kim Anh)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những hạn chế và 5 bài học kinh nghiệm trong công tác đối ngoại. Đồng chí yêu cầu công tác đối ngoại trong thời gian tới cần tập trung vào 6 vấn đề: Tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu nắm chắc diễn biến tình hình; nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, có suy nghĩ vượt tầm quốc gia, khu vực, quốc tế, xây dựng tâm thế, vị thế mới của Việt Nam với các nước. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng là độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng phù hợp với lợi ích quốc tế. Phát huy tối cao yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình các cơ chế đa phương; nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, xây dựng chiến lược tổng thể cơ chế đối ngoại đa phương trong giai đoạn mới.

Mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối ngoại nhất là trong văn hóa, kinh tế, chính trị đi vào chiều sâu, ổn định hiệu quả, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh dựa sự bình đẳng, tôn trọng và luật pháp quốc tế. Coi trọng và nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, không để bị động, bất ngờ. Hoàn thành các nhiệm vụ trên cần đặc biệt chú trộng công tác xây dựng tổ chức bộ máy, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại… Tổng Bí thư tin tưởng hội nghị sẽ đánh dấu mốc mới, tạo bức chuyển biến mới, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác đối ngoại của đất nước. Quyết tâm xây dựng đường lối đối ngoại hiện đại và mang đẩm bản sắc dân tộc, với trường phái đối ngoại “cây  tre Việt Nam”.

Văn Hương- Nguyễn Tâm


Ý kiến bạn đọc