Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Vai trò và giá trị kinh tế của Trâu

21:45, 24/02/2021

Trâu là vật nuôi gắn bó và có ảnh hưởng quan trọng đối với đời sống con người. Điều này được thể hiện rõ rệt nhất qua vai trò và giá trị kinh tế tích cực, phong phú của trâu.

NGUỒN CUNG CẤP SỨC LAO ĐỘNG

Trâu là nguồn cung cấp sức lao động hữu hiệu vì nó có thể làm những việc nặng nhọc mà con người và các gia súc khác không làm được hoặc không muốn làm. Chẳng hạn, việc cày ở ruộng bùn lầy, ngựa và bò không làm nổi hoặc khó làm lâu được, thì trâu làm rất khỏe. Đối với nghề rừng, trâu là con vật phù hợp, vì nó vừa dễ bảo lại vừa có thể kéo gỗ hăng, nên có thể kéo chuyển được những cây gỗ lớn trên các con đường chật hẹp, lầy lội trong rừng.

Ở Italia, từng đàn trâu 50-60 con được dùng để kéo thiết bị thau rửa những quãng sông đào. Tại Ấn Độ, trâu được dùng phổ biến để thồ và cưỡi. Ở nhiều nước châu Á (Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Indonesia...) còn dùng sức trâu kéo xe, đập lúa, quay máy ép mía, quay quạt cối xay lúa, ngô... Tại một số nước như Thái Lan, Kenya, Brazil... trâu cũng được dùng phục vụ ngành du lịch, an ninh trật tự - du khách, cảnh sát cưỡi trâu hoặc ngồi xe, thuyền do trâu kéo đi tham quan, tuần tra các nơi.

NGUỒN CHO THỊT VÀ SỮA

Thịt trâu có mùi vị độc đáo, hơi dai và thớ to, ngon chẳng kém gì thịt bò (nhất là trâu tơ và nghé), nên được nhiều người ưa chuộng. Hơn nữa, lượng đạm trong thịt trâu nhiều gấp hai lần thịt lợn; trong thịt trâu còn có tỷ lệ chất canxi, phôtpho, sắt và các vitamin (B1, B2, B6, B12, PP...) nhiều hơn hẳn thịt các loại gia súc, gia cầm khác. Thịt trâu có thể chế biến theo đủ kiểu (luộc, xào, hấp, nướng, hầm...) với các loại rau củ, gia vị (hành, tỏi, gừng, rau cần, rau cải...) thành những món ăn đặc sản lạ miệng, hấp dẫn. Ở nhiều nước, người ta ăn thịt trâu khô, hun khói hay ướp muối, làm xúc xích và đưa thịt trâu trở thành món ăn phổ biến. Công tác chọn giống, tạo giống trâu thịt cũng đã được tiến hành ở một số quốc gia, nhưng kết quả chưa nhiều. Trâu còn được lai thành công với bò để cho ra đời một loại gia súc có tỷ lệ thịt cao và mùi vị thịt khá đặc biệt.

Sữa trâu trắng hơn sữa bò và vị ngọt hơn một chút, nhiều chất béo hơn và mùi khác hẳn sữa bò. Sữa trâu có nhiều vitamin (đặc biệt A và C), nhiều chất khô, nhiều mỡ và nhiều chất khoáng nhất. Về đạm, sữa trâu chỉ thua sữa cừu, hơn hẳn sữa bò và các sữa khác. Như vậy, tính tổng thể, sữa trâu có giá trị dinh dưỡng rất cao và được coi là loại sữa tốt nhất. Giống trâu sữa Murrah của Ấn Độ mỗi con cái trưởng thành có thể cho trung bình 1.500-2.000 lít sữa/năm. Trâu Murrah cũng đã được nhập vào và nuôi lấy sữa tại Việt Nam.

NGUỒN DƯỢC LIỆU

Trâu được coi là “cây thuốc biết đi” vì mọi bộ phận cơ thể nó đều có thể đem chế thành thuốc, phòng chống và chữa trị hiệu quả nhiều bệnh ở người. Chẳng hạn, thịt trâu có tác dụng bồi bổ, chữa yếu bụng, chán ăn, khó tiêu, đặc trị tê liệt do trúng phong, méo mồm cấp tính, tắt đờm. Da trâu chữa phong thấp, đau dạ dày, đái són, băng huyết. Xương trâu nấu cao bồi dưỡng sinh lực và trị chân răng sưng đau. Sữa trâu làm sáng mắt, khỏe cơ, mịn da, nhuận tràng và chữa đau tai. Mật trâu trị đau mắt đỏ. Sừng trâu chữa tâm thần phân liệt, sốt cao, phát cuồng, ho, viêm họng, liệt dương, băng huyết .v.v...

Ngay cả đến ráy tai trâu cũng dùng chữa được nhọt độc, vết rết hoặc sâu bọ độc cắn. Bột răng trâu bôi trị lở loét và uống chữa trẻ em động kinh. Nước dãi trâu trị mụn cóc trên da và đau cuống họng, cấm khẩu. Phân trâu phơi khô, tán nhỏ, hòa với rượu đắp trị tinh hoàn sưng đau hoặc nếu đem đốt tồn tính, tán mịn, trộn với lòng trắng trứng gà thì bôi xung quanh chữa được mụn nhọt đã vỡ mủ lâu ngày không liền miệng...

Y học hiện đại còn dùng trâu làm nhiều thí nghiệm y dược và bào chế được từ trâu những loại thuốc đặc chủng chữa trị bệnh về thần kinh, tim, gan, máu, cơ, xương, thận... Ví dụ, người ta dùng trâu để sản xuất văcxin phòng bệnh đậu mùa (1 con trâu có thể cho tới 7.000 liều văcxin).

NGUỒN SẢN XUẤT PHÂN BÓN

Phân trâu là một loại phân rất hữu ích đối với cây cối vì có nhiều lân và kali. Một con trâu mỗi năm có thể thải ra 3-4 tấn phân nguyên chất (nếu thêm chất độn có thể lên tới 12-14 tấn phân chuồng) và một lượng nước tiểu tương đương, phục vụ tốt cho trồng trọt.

NGUỒN NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Các bộ phận cơ thể trâu là nguyên liệu chính cho một số ngành công nghiệp. Da trâu thuộc xong rất bền và có sức đàn hồi lớn, thường được dùng chế dây cuaroa và những loại dây công nghiệp, làm cặp, vali, thắt lưng, áo da, giày dép... Xương, sừng và móng trâu dùng sản xuất thìa nĩa, tẩu, ống điếu, tù và, lược, kẹp tóc, cúc áo, quân cờ, cán dao và những đồ trang sức khác. Người ta còn lấy sừng trâu để sản xuất mực tàu và keo dính. Mỡ trâu dùng làm nến, xà phòng và xi.

          Như vậy, trâu có vai trò, giá trị kinh tế tổng hợp, đa dạng, phong phú và quan trọng đối với đời sống con người ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, việc nuôi và sử dụng trâu đã rất phổ biến, trở thành truyền thống dân tộc, nhưng hiện đang có nguy cơ giảm sút do một số nguyên nhân, cần phải được chúng ta nghiêm túc xem xét và khắc phục.

                            Xuân Hồng( Hà Nội)


Ý kiến bạn đọc