Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Chiến lược nhằm phát triển bền vững cây cam Sành

13:40, 17/07/2021

Cam Sành là cây ăn quả đặc sản của Hà Giang được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Theo đánh giá của ngành chức năng, trong niên vụ 2020 – 2021, tổng diện tích cam Sành đạt trên 7.000 ha, trong đó có khoảng 6.500 ha cho thu hoạch và sản lượng đạt gần 70.000 tấn. Từ năm 2004 thương hiệu “ Cam Sành Hà Giang” đã được đưa vào bảo hộ và lưu thông trên thị trường trong nước.

 Nhưng trong những năm qua, do tác động các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, nhân giống thiếu cơ sở khoa học của một số chủ vườn cùng với dịch sâu bệnh hại đã làm giảm năng suất, chất lượng và suy thoái nhanh chóng các vườn cam. Từ đó, mẫu mã quả và chất lượng của cam Sành Hà Giang cũng bị suy giảm, cam bị rớt giá…. Xuất phát từ thực tiễn đó, để giữ vững và không ngừng nâng cao uy tín của thương hiệu “ Cam Sành Hà Giang” cần phải  có chiến lược về bảo vệ thực vật cho cây cam Sành:

Thực hiện đồng bộ và nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong trồng mới và chăm sóc

 Chỉ được trồng mới bằng những giống cam sạch bệnh từ những vườn nhân giống đạt tiêu chuẩn hoặc những cây giống được chiết ghép từ những cây sạch bệnh. “Cây sạch bệnh” là chúng ta nhấn mạnh và tập trung vào 2 loại bệnh có tính lây lan và làm suy thoái nhanh chóng các vườn cam mà hiện nay thế giới chưa tìm ra thuốc đặc trị; đó là: Bệnh vàng lá gân xanh (Greening) và bệnh tàn lụi (Tristeja). Bên cạnh đó, tại những vườn cam đang kinh doanh (đang cho thu quả) người dân đầu tư, bón phân cho cam không theo đúng qui trình khoa học, bón phân không hợp lý và thiếu cân đối giữa các loại phân (hữu cơ và vô cơ, đạm, lân, kaly…Những biện pháp kỹ thuật này làm ảnh hưởng không tốt tới mẫu mã quả cũng như chất lượng và hương vị của cam Sành Hà Giang. Vì vậy, cần phải có một qui trình chuẩn trong đầu tư chăm sóc cũng như bón phân cho cây cam theo từng vùng sinh thái cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế tối ưu.

Một vườn cam Sành trồng mới tại xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên

 Ngoài ra, một yêu cầu có ý nghĩa quan trọng mang tính cấp bách là cần nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giải vụ chín, kéo dài thời gian thu hoạch của cam từ 3- 4 tháng hoặc điều chỉnh cho cam ra hoa trái vụ bằng kỹ thuật điều tiết chế độ tưới nước, bón phân, tác động cơ lý vào phần rễ cây…nhưng không ảnh hưởng tới năng suất và tuổi thọ của vườn cam. Đây là kỹ thuật đã được áp dụng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các vùng trồng cam khác trong nước như vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng cam Vinh, Nghệ An... Và để thực hiện thành công chương trình này đòi hỏi phải có chủ trương và chính sách hợp lý của các cơ quan có thẩm quyền trong tỉnh.

 Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại đi đôi với công tác không ngừng nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn nông sản đối với cam Sành

Trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại cam quýt nói chung và cam Sành nói riêng cần đặc biệt chú ý tới rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh vàng lá gân xanh ( Greening) do vi khuẩn và các loài rệp muội là môi giới lan truyền bệnh tàn lụi (Tristeja) do virus, do 2 loại bệnh này có tính lây lan và làm suy thoái nhanh chóng các vườn cam mà hiện nay thế giới chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, vấn đề phòng trừ rầy chổng cánh và rệp muội cần ưu tiên đặt nên hàng đầu đối với những vùng trồng cam đã xuất hiện bệnh vàng lá gân xanh và bệnh tàn lụi.

Cam Sành Hà Giang bước vào giai đoạn chín

Bên cạnh đó, để hạn chế dư lượng của các hoá chất trừ sâu, bệnh trong các sản phẩm cam Sành, đòi hỏi người trồng cam cần phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly đối với từng loại thuốc khi tiến hành phun trừ sâu bệnh. Cần ưu tiên sử dụng các loài thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc nhanh phân huỷ, ít ảnh hưởng tới môi trường, thiên địch, con người và sản phẩm cam Sành. Ngoài ra, cần ưu tiên áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp nhằm tiêu diệt các loài sâu bệnh hại, hạn chế tới mức thấp nhất quá trình tiếp xúc của trái cam với các hoá chất độc hại. Đây là một biện pháp kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng để cam Sành Hà Giang cạnh tranh được với cam của các vùng khác trong nước và các loại cam quýt của Trung Quốc do dư lượng các loại thuốc trừ sâu bệnh lưu tồn trong quả.

Chỉ khi chúng ta thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp kỹ thuật cũng như có những chính sách, chủ trương hợp lý nhằm thúc đẩy và ưu tiên phát triển, nâng cao chất lượng đối với cây cam Sành thì loài cây  ăn quả với thương hiệu “Cam Sành Hà Giang” không những chiếm ưu thế trên thị trường trong nước mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn tại các vùng trồng cam trong tỉnh.

                                                                            Phạm Văn Phú

                                                                      (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh)

                                                                            

 


Ý kiến bạn đọc