Tiếp tục tuyên truyền người chăn nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, sát trùng tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất, từ hộ, gia trại, trang trại chăn nuôi lợn ra các khu vực xung quanh. Đồng thời, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, có biện pháp ngăn chặn các loại chim, côn trùng, loài gặm nhấm có thể mang mầm bệnh từ bên ngoài vào... là những giải pháp hiện nay đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ mầm bệnh dịch tả lợn chây Phi xâm nhiễm gây thiệt hại cho người chăn nuôi lợn...
Hà Giang tiếp tục các giải pháp phòng chống dịch tả lợn Châu phi
Ngành chức năng và các địa phương đang tích cực cùng người dân phòng chống dịch tả lợn Châu Phi |
Tính đến hết ngày 9/7 trên địa bàn tỉnh có hai địa phương có lợn tái phát dịch tả lợn Châu phi gồm thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên với tổng số lợn chết và tiêu hủy là 638 con/64 hộ/15 thôn của 8 xã, trọng lượng tiêu hủy là trên 31.000 kg...Theo nhận định của Ngành chuyên môn, hiện nay, mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn có khả năng vẫn tồn tại trong môi trường xung quanh các chuồng nuôi, từ thức ăn chăn nuôi và một số nguồn từ các địa phương trong và ngoài tỉnh, trở thành nguyên nhân phát dịch khi người dân tái đàn mà không đảm bảo an toàn sinh học. Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tránh tư tưởng chủ quan, lơ là để bệnh dịch tái phát, lây lan diện rộng.
Hộ chăn nuôi chủ động phun khử khuẩn chuồng trại |
Hiện nay người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang cùng lúc phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, và đặc biệt là dịch tả lợn Châu phi đang có chiều hướng tái phát trong khi vẫn chưa có vắc xin phòng chống... Vì vậy, để hạn chế dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục tái phát, Sở Nông nghiệp - PTNT tổ chức đoàn kiểm tra, trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các huyện; cấp hóa chất tiêu độc, khử trùng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn; chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở nâng cao ý thức, trách nhiệm, trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết triệu chứng và phòng, chống dịch bệnh.
Toàn tỉnh hiện có gần 600 nghìn con lợn; ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; thu nhập từ chăn nuôi lợn của người dân chiếm tỷ lệ cao; thịt lợn là thực phẩm sử dụng hàng ngày của người tiêu dùng… Nếu dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục tái phát trên diện rộng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi và đời sống nhân dân. Do vậy, các cấp, ngành cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành nông nghiệp để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh này.../.
Hồng Duyên - Hải Hà
Ý kiến bạn đọc