Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc có tổng diện tích rừng và đất qui hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 553.138,3 ha, chiếm gần 70 % diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm phát huy vai trò của rừng kinh tế (còn gọi là rừng trồng), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; gắn công tác bảo vệ và phát triển rừng với công tác giảm nghèo bền vững.
Một cánh rừng gỗ mỡ đến thời kỳ khai thác tại xã Vô Điểm, huyện Bắc Quang |
Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh phát triển các loại rừng kinh đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từ các sản phẩm của rừng như các loại gỗ, các loại mặt hàng mây tre đan…Bên cạnh đó, cũng nhờ đẩy mạnh công tác trồng rừng đã góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc; nâng cao độ che phủ của rừng; hạn chế lũ quét, chống xói mòn và rửa trôi đất canh tác…Từ đó, tỉnh đã xác định phát triển công tác trồng rừng là một chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, đó cũng chính là cơ sở để phát triển rừng kinh tế một cách hiệu quả và bền vững.
Một xưởng chế biến gỗ dán xuất khẩu tại thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình |
Để đẩy nhanh công tác trồng rừng, nâng cao độ che phủ của rừng, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh quá trình giao rừng và đất rừng cho các tổ chức và hộ gia đình quản lý lâu dài để có điều kiện đầu tư và đẩy nhanh công tác trồng rừng.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo gắn trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác tư vấn, hỗ trợ các hộ gia đình và các tổ chức trong quá trình lựa chọn các loại cây rừng phù hợp với từng vùng sinh thái. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề ra các chính sách phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, khai thác, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ rừng kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Phạm Văn Phú
(Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh)
Ý kiến bạn đọc