Ngày 3/10 Siêu thị trực tuyến PostMart trực thuộc Bưu điện Việt Nam đã đến xã Vĩnh Phúc huyện Bắc Quang ký kết và mua 10 tấn Cam Vàng của HTX nông dân trồng Cam sạch xã Vĩnh Phúc. Đây là chuyến hàng tiêu thụ nông sản đặc trưng đầu tiên của tỉnh được tiêu thụ thông qua sàn giao dịch điện tử.
Chuyến cam vàng đầu tiên được tiêu thụ qua sàn giao dịch điện tử
Lãnh đạo Bưu điện tỉnh và các nhà vườn ký kết hợp đồng tiêu thụ cam |
Để chuyến hàng đầu tiên khẳng định uy tín, chất lượng thương hiệu Cam Vàng Hà Giang, lãnh đạo Sở công thương và Bưu điện tỉnh đã xuống tận các vườn Cam vàng bắt đầu cho thu hoạch để kiểm tra sản phẩm. Đồng thời, Bưu điện Hà Giang cũng đã cử cán bộ của đơn vị giám sát chặt trẽ mọi công đoạn từ: Thu hái sản phẩm đến lựa chọn, dán tem, đóng hộp và vận chuyển. Tất cả để đảm bảo cung cấp đến khách hàng đã tin tưởng, đặt hàng qua hệ thống thương mại điện tử PostMart trực thuộc Bưu điện Việt Nam sẽ nhận được những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất.
Lãnh đạo Bưu điện tỉnh khảo sát vườn cam vàng |
Để đẩy mạnh công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, ngay từ đầu năm 2021 Hà Giang đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để xóa bỏ những hạn chế về vị trí địa lý, giao thông và các khâu trung gian để đưa sản phẩm nông nghiệp đặc hữu đến tận tay người tiêu dùng. 10 tấn Cam Vàng đầu tiên được tiêu thụ thông qua Siêu thị trực tuyến PostMart do khách hàng các tỉnh Quảng Ngãi, Đắc Nông và Bình Định đặt mua đã thể hiện rõ hiệu quả bước đầu của các hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm Cam Hà Giang thông qua thương mại điện tử.
Niềm vui thu hoạch của người nông dân |
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác tổ chức tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại tại các tỉnh thành phố và việc tiêu thụ sản phẩm Cam Hà Giang theo các phương thức truyền thống gặp nhiều khó khăn, trong khi đó Cam Vàng Hà Giang đã bắt đầu vào vụ tiêu thụ và sản lượng năm nay sẽ cao hơn vụ trước. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử là việc làm rất cần thiết hiện nay, nó giúp cho tỉnh triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số, thông qua các gian hàng triển lãm thực tế ảo 3D tại “Triển lãm chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam” và các sàn thương mại điện tử như Posmart, Voso.vn, Sendo, Shopee, Dacsanhagiang.net . Qua đó giúp cho người nông dân giới thiệu, cung cấp đến tận tay khách hàng các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của Hà Giang, xóa bỏ mọi khoảng cách về địa lý, cắt giảm chi phí không cần thiết cho các khâu trung gian và giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm đúng chất lượng, đảm bảo xuất xứ nguồn gốc./.
Đình Anh - Văn Bính
Ý kiến bạn đọc