Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Chuyển giao công nghệ phối giống chủ động cho Bò vàng

09:00, 06/11/2021

Hiện nay, giá trị đàn Bò vàng vùng cao đóng góp vào tỷ trọng nền kinh tế của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Tình trạng chậm sinh dục, lỡ chu kỳ động dục diễn ra khá phổ biến. Những điều này đã tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của người nông dân.

Các hộ chăn nuôi bò tại thôn Lùng Cáng xã Thanh Vân huyện Quản Bạ

Nếu như trước đây, sau khi sinh sản con bò nái của gia đình bà Mua Thị Súa và bà Vàng Thị Chở ở thôn Lùng Cáng xã Thanh Vân huyện Quản Bạ sẽ mất từ 7 đến 8 tháng sẽ động dục trở lại. Khi được giới thiệu đến phương pháp kích dục và phối giống chủ động thì chỉ sau 2 tháng sinh sản, con bò nái của gia đình đã động dục trở lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mỗi năm con bò của gia đình sẽ sinh sản được một con thay vì 1 năm rưỡu một con như trước đây.

Mỗi năm bò cái sẽ sinh sản được 1 con

Cùng ở xã Thanh Vân, theo lẽ tự nhiên, sau 18 tháng con bò của gia đình anh Sùng Tờ Dình ở thôn Làng Tấn, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ đã phải động dục. Tuy nhiên đến nay sau 24 tháng con bò cái của gia đình vẫn chưa có bất kỳ biểu hiện gì. Đến khi được nhóm kỹ sư của Viện nghiên cứu Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Bệnh nhiệt đới tới thăm khám thì anh mới biết con Bò cái sinh sản của gia đình thuộc nhóm động dục không biểu.

Giống Bò vàng vùng cao Hà Giang có nhiều ưu điểm nhưng hiện đang có biểu hiện thoái hóa do bị cận huyết

Từ thực tiễn cho thấy, giống Bò vàng vùng cao Hà Giang có nhiều ưu điểm nhưng hiện đang có biểu hiện thoái hóa do bị cận huyết. Bên cạnh đó, bò thường được nuôi chung cùng các vật nuôi khác nên nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm rất cao. Trước thực trạng đó, các kỹ sư của Viện nghiên cứu Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Bệnh nhiệt đới đã đề xuất thực hiện đề tài khoa học Chuyển giao Công nghệ phối giống chủ động cho đàn bò vùng cao.

Sau 1 năm thực hiện nghiên cứu tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá đã có 60 bò nái sinh sản thành công

Sau 1 năm thực hiện nghiên cứu, các kỹ sư của Viện nghiên cứu Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Bệnh nhiệt đới đã thực hiện thăm khám, điều trị, phối giống chủ động cho 600 bò nái tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá. Trong đó, có 60 bò nái đã sinh sản thành công, 300 bò nái đang mang thai và 240 bò nái đang được theo dõi và điều trị. Điều này không chỉ giúp mang lại hiệu quả trực tiếp cho người nông dân mà còn góp phần tăng giá trị chăn nuôi trong tỷ trọng ngành nông nghiệp của địa phương.

Tuấn Quỳnh- Hà Toản


Ý kiến bạn đọc