Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Tăng cường liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây trồng vụ đông ở Quang Bình

19:51, 01/12/2021

Xác định việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân là giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; Những năm gần đây huyện Quang Bình đã tập trung đổi mới cách làm nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ trương đẩy mạnh sản xuất vụ đông theo hướng hàng hóa, tăng cường liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Huyện đã tích cực vận động, hướng dẫn người dân ở các địa phương thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; bước đầu đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng vụ đông năm 2021 của huyện là 1.020 ha cụ thể: Cây ngô, tổng diện tích thực hiện 405 ha, trong đó ngô xuống ruộng là 338,3 ha, ngô trồng soi, bãi là 66,7ha. Cây khoai lang: Diện tích thực hiện 33 ha. Tập trung tại các xã Vĩ Thượng; Tiên Yên; Xuân Giang; Bằng Lang; Yên Bình; Tân Trịnh, Tân Bắc; Yên Hà; Yên Thành. Cây khoai Tây: Diện tích thực hiện 28 ha. tập trung tại các xã, thị trấn gồm: Hương Sơn, Vĩ Thượng; Tiên Yên; Xuân Giang; Bằng Lang; Yên Bình; Tân Trịnh, Tân Bắc; Yên Hà; Yên Thành. Căn cứ nhu cầu đăng ký của các xã, thị trấn, năm 2021 huyện hỗ trợ đối với một số loại cây trồng vụ đông có giá trị kinh tế cao, có diện tích tập trung, liền vùng, liền thửa, các vùng sản xuất có khả năng liên kết với các doanh nghiệp, HTX bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nhân dân. Trong đó, tổng diện tích hỗ trợ là: 115,2 ha; trong đó, Cây ngô 83,3 ha; Cây khoai tây 5,2 ha; cây dưa chuột 11 ha; cây bí đỏ 14,5 ha, mô hình rau đông 1,2 ha. Tại 6/15 xã, thị trấn gồm: Vĩ Thượng, Xuân Giang; Yên Hà; Yên Thành, Hương Sơn và thị trấn Yên Bình.

Lãnh đạo huyện Quang Bình kiểm tra mô hình trồng thí điểm và bao tiêu sản phẩm nông sản Bí Xanh tại Yên Hà của Công ty cổ phần Nông sản Hà Giang

Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đang được địa phương quan tâm thực hiện giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định. Từ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân, HTX với DN đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Năm 2021, trên địa bàn huyện đang thực hiện mô hình liên kết Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Hà Giang tiêu thụ sản phẩm bí đỏ tại xã Vĩ Thượng, Hương Sơn, TT Yên Bình; Yên Hà, Bằng Lang, với tổng diện tích 16 ha; Công ty dưa leo vùng miền 6 ha dưa chuột tại xã Vĩ Thượng; Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Hà Giang liên kết bao tiêu sản phẩm bí xanh tại xã Yên Hà với diện tích 01 ha. Với phương thức hợp tác Công ty ký hợp đồng, hợp tác lâu dài với các hộ dân đăng ký trồng các sản phẩm nêu trên, hướng dẫn quy trình kỹ thuật đối với từng loại cây trồng đến người dân, đảm bảo bao tiêu sản phẩm nông sản; đồng thời công ty sẽ thực hiện thu mua tận nơi đối với những diện tích thực hiện tối thiểu từ 01 ha trở lên/xã vả 05 ha/huyện. Đối với mỗi loại sản phẩm bao tiêu, doanh nghiệp đều có yêu cầu khác nhau về chất lượng và giá thành.

Tuy hiệu quả khá rõ nét nhưng hiện số lượng HTX nông nghiệp tham gia liên kết và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân còn ít. Lượng nông sản bà con nông dân làm ra được bao tiêu chiếm tỷ lệ thấp so với tổng sản lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa hiện nay. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động liên kết còn khó khăn đó chính là ý thức của người nông dân trực tiếp tham gia sản xuất. Sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân chưa chặt chẽ, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Như vậy, dù vùng nguyên liệu ổn định là yếu tố quan trọng quyết định hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông sản, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn e dè trong việc tham gia và mở rộng vùng liên kết. Để thay đổi, thời gian tới, huyện Quang Bình sẽ chú trọng tích tụ, tập trung đất đai, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ canh tác cho lao động nông nghiệp; hỗ trợ về giống, vật tư, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chế biến. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, quỹ đất nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và mở rộng quy mô đầu tư sản xuất. Tiếp tục mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; phối hợp tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư quảng bá sản phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát, chứng nhận chất lượng nông sản...

Việc tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX trong tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên diện rộng không chỉ giúp ổn định duy trì sản xuất, chia sẻ rủi ro mà còn đẩy mạnh tiêu thụ, lưu thông hàng hóa, giúp người dân, doanh nghiêp và HTX vẫn kinh doanh có lời./.

Đức Trọng( Huyện Quang Bình)


Ý kiến bạn đọc