Thuốc bảo vệ thực vật gồm các nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ dại, thuốc trừ chuột, thuốc trừ ốc....Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là những hoá chất tự nhiên hoăc tổng hợp có độ độc khác nhau đối với con người, môi trường và các sinh vật nói chung.
Khi phun thuốc BVTV không đảm bảo các biện pháp an toàn sẽ gây ngộ độc cho con người |
Tuỳ từng loại thuốc, cơ chế tác động và liều lượng thuốc khi xâm nhập vào cơ thể con người mà thuốc BVTV gây nên các biểu hiện và triệu chứng khác nhau. Khi bị nhiễm độc nặng cơ thể có thể bị tử vong, ở dưới liều gây tử vong, một số nhóm thuốc được phân giải từ từ và bài tiết ra ngoài qua đường tiêu hóa. Trong nhóm thuốc này gồm các hợp chất lân hữu cơ, cacbamate, thuốc có nguồn gốc sinh học, hợp chất Pyretheroid. Nhưng một số nhóm thuốc BVTV, khi con người bị nhiễm độc ở liều lượng nhỏ không được phân giải và bài tiết ra ngoài mà tích luỹ dần trong gan, mô mỡ, tủy sống... của con người gây lên những biến đổi sinh lý có hại, thâm chí gây rối loạn di truyền, đó là các nhóm thuốc chứa Clo, Asen, thuỷ ngân...hiện nay đã bị cấm sử dụng nhưng vẫn còn trôi nổi trên thị trường.
Triệu chứng chung khi bị ngộ độc các loại thuốc BVTV
Khi con người bị ngộ độc thuốc BVTV thường có biểu hiện mệt mỏi , khó chịu và đuối sức. Nếu bị nggộ độc qua da (do tiếp xúc) thì có biểu hiện ngứa, nóng rát và mẩn đỏ. Bị ngộ độc qua đường tiêu hoá (ăn phải, nuốt phải) thường có biểu hiện nóng rát ở miệng và cổ họng, buồn nôn, đau bụng, đau đầu, chóng mặt, nên cơn co giật. Bị ngộ độc qua đường hô hấp thường xảy ra với những người tiếp xúc với thuốc, những người thường xuyên phun thuốc...sẽ có biểu hiện ho và đau ngực.
Các biện pháp sơ cứu : Cần kịp thời đưa người bị ngộ độc thuốc BVTV ra khỏi nơi có thuốc (với người đang phun thuốc, đang bốc thuốc...), cởi bỏ quần áo bị dính thuốc, rửa sạch thuốc dính trên da bằng nước xà phòng và lau khô. Sau đó kiểm tra nhiệt độ cơ thể của người bị nhiễm độc, nếu nóng quá phải giảm nhiệt bằng khăn ẩm hoặc trườm nước đá, nếu lạnh quá phải đắp chăn.
Vỏ chai lọ chứa thuốc BVTV độc hại do người dân vứt bỏ trên nương rẫy là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt dẫn đến ngộ độc |
Khi bị nhiễm độc thuốc BVTV qua đường tiêu hoá phải để bệnh nhân ngồi hoặc đứng rồi kích thích cho nôn (bằng thuốc hoặc bằng tay). Nếu thở yếu hoặc ngừng thở phải làm hô hấp nhân tạo. Không được cho uống sữa bò, vì sữa làm tăng độ hấp phụ của thuốc vào thành ruột, có thể cho uống nước đun sôi để nguội hoặc trà đường.
Khi người bị ngộ độc thuốc BVTV bị ngất, không được cho uống bất cứ chất lỏng nào vì có thể làm ứ vào phổi gây ngạt thở. Sau khi hô hấp nhân tạo, khi bệnh nhân hồi tỉnh có thể cho uống nước chè loãng hoăc uống Vitamin C, B1, nước hoa quả. Chú ý: Không được cho người nhiễm độc thuốc BVTV uống sữa khi cơ thể vẫn còn bị ảnh hưởng bởi thuốc BVTV (trừ khi biết rõ nạn nhân bị ngộ độc thuốc chứa Asen hoặc thuỷ ngân) .
Sau khi sơ cứu, cần kịp thời đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất và mang theo nhãn thuốc mà bệnh nhân đã bị ngộ độc để bác sĩ nhanh chóng tìm ra biện pháp điều trị kịp thời và hiệu quả.
Phạm Văn Phú
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh
Ý kiến bạn đọc