Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Cô gái dân tộc Tày (Quản Bạ) với ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm rượu truyền thống

19:58, 16/05/2022

Chị Viên Thị Lan, thôn Nà Chang, thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ đã ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm rượu truyền thống của người dân tộc Tày từ lâu. Đến nay với niềm đam mê, sự tâm huyết của cô gái sinh năm 1991, ý tưởng khởi nghiệp này đã và đang từng bước được thực hiện.

Công đoạn ủ rượu trong chum sành

Với truyền thống của người dân tộc Tày tại huyện Quản Bạ trong mỗi dịp lễ, tết, thanh minh đều phải có mâm xôi và ly rượu nếp ngọt để cúng và dâng lên tổ tiên. Đây được coi là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đại bộ phận của người dân tộc Tày vùng cao. Cũng từ nét văn hóa truyền thống đẹp này, đã khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp của chị Viên Thị Lan với mong muốn phát triển và quảng bá tới thị trường khách hàng sản phẩm rượu nếp ngọt của người Tày với tên gọi rượu Lẩu Ngón. Rượu Lẩu Ngón được sản xuất theo phương pháp truyền thống với 100% nguyên liệu là hạt nếp nương mẩy vùng cao đã được đồ chín để nguội. Sau đó là trộn với men lá và đem đi ủ từ 30 – 40 ngày trong chum sành ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ trung bình 20- 25 độ C.

Chị Viên Thị Lan (Áo đen) giới thiệu sản phẩm rượu Lẩu ngón tới khách hàng

Sau thời gian ủ rượu, khi thu được phần cơm rượu đã nhuyễn sẽ tiến hành chắt lọc thủ công để được phần rượu đặc sánh, thơm ngon nguyên chất. Thành phẩm rượu thu được có nồng độ khoảng 8-10 độ. Sản phẩm rượu Lẩu Ngón hiện đã được chị Viên Thị Lan giới thiệu tới thị trường khách hàng và nhận được sự đánh giá khá tốt bởi những hương vị đặc trưng rất riêng biệt.

Chia sẻ về hương vị của rượu Lẩu Ngón, anh Nguyễn Văn Niềm khách hàng cho hay:  Đây là lần đầu tiên tôi được uống thử loại rượu này. Bản thân tôi khá ấn tượng với tên của loại rượu là Lẩu Ngón, rượu này có vị rất riêng như ngọt vừa phải, thơm, nồng độ khá là nhẹ và màu thì hơi đục như sữa gạo. Với giá thành từ 100.000đ- 120.000đ/ lít rượu truyền thống được lên men tự nhiên như vậy tôi thấy khá là hợp lý.

Với chị Viên Thị Lan, ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm rượu Lẩu Ngón bao hàm rất nhiều ý nghĩa và tâm huyết đó là: Giữ gìn, phát huy, xây dựng thương hiệu cho nghề truyền thống; Quảng bá đưa ra thị trường khách hàng trong và ngoài tỉnh sản phẩm tinh hoa của người dân tộc Tày. Quan trọng hơn, sản phẩm rượu Lẩu Ngón được sản xuất từ những hạt gạo nếp nương của địa phương do chính những người phụ nữ nông thôn làm ra, nếu sản phẩm này được phát triển có quy mô sẽ giúp những người phụ nữ bản địa có thêm thu nhập, giải quyết được việc làm tại chỗ bằng chính lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Mong rằng, với những mục tiêu kiên định, niềm đam mê, ý chí quyết tâm trong phát triển sản phẩm truyền thống của dân tộc mình, ý tưởng khởi nghiệp của chị Viên Thị Lan sẽ sớm thành công và gặt hái được nhiều thành quả trái chín.

Hoàng Chính - Quản Bạ


Ý kiến bạn đọc