Trở về cuộc sống đời thường, vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật, những người Cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sự hăng say lao động, làm kinh tế giỏi từ chính đôi tay, đôi chân không còn nguyên vẹn của các thương binh, bệnh binh tại thị trấn Vĩnh Tuy-huyện Bắc Quang càng khẳng định câu nói của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Thương binh Hoàng Văn Hùng tích cực tham gia phát triển kinh tế |
Năm 1979, dời chiến trường biên giới Tây Nam, anh thương binh 4/4 Hoàng Văn Hùng trở về quê hương và lập nghiệp tại thị trấn Vĩnh Tuy-huyện Bắc Quang. Với tính cách hiền lành, chất phác, anh Hùng đã được nhân dân quý mến, tin yêu. 12 năm với cương vị tổ trưởng tổ dân phố và 16 năm làm tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng CSXH, thương binh Hoàng Văn Hùng luôn tận tâm với mọi công việc được giao phó. Mặc dù vết thương chiến tranh để lại thường hành hạ anh mỗi khi trái nắng, trở trời nhưng vượt qua tất cả, anh Hùng đã quyết tâm xây dựng kinh tế bằng chính sức lao động của mình. Với diện tích đất đai gia đình khai phá, anh Hùng cùng vợ con đầu tư trồng chè, trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Mỗi năm thu hoạch gần 30 tấn chè búp tươi, xuất bán vài lứa lợn và gia cầm cũng mang về cho gia đình anh trên 100 triệu đồng.
Phát huy phẩm chất của người lính, trở về đời thường sau nhiều năm tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, dựa vào lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương, các thương binh, bệnh binh đã lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và xã hội. Bệnh binh Tống Ngọc Thanh được biết đến là người thành công với việc trồng rừng kinh tế tại thị trấn Vĩnh Tuy. Sau khi tìm hiểu, ông Thanh thấy cây quế hoàn toàn phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng địa phương nên ông đã quyết định đầu tư vào trồng và chăm sóc trên 1 nghìn cây quế, và bước đầu đã cho thu nhập.
Mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng được nhiều Thương binh, bệnh binh lựa chọn |
Luôn khắc ghi lời Bác Hồ dặn "Thương binh tàn nhưng không phế”, các thương binh, bệnh binh của thị trấn Vĩnh Tuy luôn tâm niệm: Là người lính, thời chiến sẵn sàng cầm súng đánh giặc, thời bình phải nỗ lực chiến đấu trên mặt trận chống đói nghèo. Bởi vậy mỗi thương binh, bệnh binh đều quyết tâm trong phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đối với người bình thường, lao động sản xuất đã khó thì với những thương binh, bệnh binh những người đã để lại 1 phần thân thể nơi chiến trường còn khó khăn hơn nhiều. Nhưng chính sự quyết tâm, phẩm chất cao quý của người lính và sự sẻ chia của cấp ủy, chính quyền, sự quan tâm của các huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vươn lên là những tấm gương sáng đi đầu trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Với phẩm chất của người lính "Bộ đội Cụ Hồ” không ngại gian khó, những người lính trở về từ chiến trường năm xưa không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế mà họ còn là tấm gương sáng trong việc thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Họ đã và đang tận tâm, tận lực cống hiến cho công cuộc đổi mới quê hương, làm rạng rỡ thêm lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”./.
Thanh Loan- Hoàng Duynh( Bắc Quang)
Ý kiến bạn đọc