Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Mèo Vạc: Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững

17:56, 02/07/2022

Thời gian qua, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp của huyện Mèo Vạc quan tâm triển khai thực hiện. Các chế độ, chính sách giảm nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo các quy định. Đa số hộ nghèo trên địa bàn huyện đã có ý thức vươn lên trong cuộc sống, chí thú làm ăn để thoát nghèo bền vững.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc Vương Ngọc Hà thăm trang trại nuôi Dê tại xã Sơn Vĩ

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, ngành chức năng huyện Mèo Vạc đã thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ người nghèo như chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã giải quyết việc làm tại chỗ cho 1.724 lao động và đi làm việc ngoài huyện là 7.891 lao động, riêng tham gia xuất khẩu lao động tại Philippin có 01 người.

Trang trai nuôi dê tại xã Sơn Vĩ

Theo lãnh đạo Phòng LĐTB&XH huyện cho biết: Việc triển khai thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp, nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tại địa phương, tạo thu nhập giúp ổn định cuộc sống.

Để giúp người nghèo có vốn phát triển kinh tế, huyện Mèo Vạc tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn người dân triển khai thực hiện tốt các dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng các mô hình; Chú trọng thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho 1.960 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền được giải ngân 95.699 triệu đồng. Tổng dư nợ dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt là 362.610 triệu đồng/8.376 hộ vay. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện cho vay theo nghị quyết 58 của Hội đồng nhân dân tỉnh, với số tiền 2.941 triệu đồng/104 hộ nghèo, hộ cận nghèo để cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế, tạo việc làm cho gia đình trong phát triển kinh tế mới.

Từ các nguồn vốn hỗ trợ đã thực hiện xây dựng, sửa chữa được 39 nhà cho 39 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; hiện đã bàn giao đưa vào sử dụng 34 hộ với tổng kinh phí hỗ trợ 3.250 triệu đồng. Việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở đã giúp hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Người dân xã Pả Vi tích cực tham gia cải tạo vườn tạp nâng cao thu nhập

Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, hỗ trợ nhà ở, chính sách hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ về y tế cũng được quan tâm. Thực hiện tốt việc hỗ trợ học sinh con hộ nghèo, hộ cận nghèo như: hỗ trợ tiền ăn, ở, gạo theo nghị định 116/2016/NĐ-CP là 10.071 học sinh; hỗ trợ tiền ăn là 9.994 học sinh; hỗ trợ bữa trưa cho trẻ em mầm non theo nghị định 105/2020/NĐ-CP là 6.925 trẻ em; miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo nghị định 86/2015/NĐ-CP là 39.194 lượt trẻ em, học sinh… Đồng thời, thực hiện mua và cấp phát thẻ BHYT 80.177 thẻ thẻ BHYT miễn phí cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, DTTS và người dân đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn huyện.  Ngoài các chương trình, chính sách hỗ trợ trên, còn có các chính sách lồng ghép khác như hỗ trợ tiền điện cho 12.633 hộ gia đình với tổng kinh phí 2.084,445 triệu đồng. Hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt cho 1.079 hộ, 5.234 khẩu, tổng số gạo đề nghị cứu đói 178.245 kg. Cùng với đó thực hiện tốt việc chi trả và vận động hỗ trợ quà dịp tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng trợ cấp xã hội trên địa bàn.

Có thể nói, chương trình hỗ trợ giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về đời sống kinh tế của các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nghèo bền vững. Đến nay, đa số hộ nghèo có ý thức vươn lên trong cuộc sống, chăm lo làm ăn để thoát nghèo bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân có sự chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội của địa phương.

Hà Linh (Mèo Vạc)


Ý kiến bạn đọc