Là huyện trọng điểm nông lâm nghiệp của tỉnh, cùng với cây cam thì chè là cây trồng chủ lực của huyện Bắc Quang với tổng diện tích là gần 5.100 ha. Huyện đã chú trọng phân vùng nguyên liệu chè để tập trung phát triển. Ngoài những vùng trồng chè tập trung như: Hùng An, Vĩnh Tuy, Vĩnh Hảo, Tiên Kiều thì một số địa phương khác của huyện cũng có sản phẩm chè chất lượng.
Kỹ thuật canh tác, chăm sóc chè của người dân còn nhiều hạn chế. |
Năm 2022, sản phẩm chè xanh Nà Ôm của HTX Chè Nà Ôm, xã Liên Hiệp, huyện Bắc Quang được đánh giá sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Từ đó, giá chè khô đã được nâng lên 550.000đ/kg, cao gấp đôi khi chưa đạt sản phẩm OCOP. Thu nhập của người trồng chè từ đó cũng tăng theo, hiện có 17 hộ trên địa bàn thôn Nà Ôm tham gia trồng chè đảm bảo nguyên liệu sản xuất cho HTX.
Thu nhập từ sản phẩm chè đã góp phần ổn định đời sống của bà con nhân dân. |
Còn tại xã Đức Xuân có trên 120 ha chè, diện tích thu hoạch là gần 96 ha. Hai năm gần đây các hộ trồng chè trên địa bàn xã có nguồn thu tương đối ổn định. Giá chè búp tươi dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Giá bán chè khô từ 160.000đ - 180.000đ/kg, giá bán chè vàng xuất khẩu từ 80.000 - 85.000đ/kg. Thu nhập từ sản phẩm chè đã góp phần ổn định đời sống của bà con nhân dân.
2 xã Liên Hiệp và Đức Xuân đang hình thành vùng sản xuất tập trung và nâng cao chất lượng |
Tổng diện tích chè của 2 xã Liên Hiệp và Đức Xuân là trên 250 ha. Các hộ dân trồng chủ yếu là giống Chè Shan Tuyết. Mối liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ cũng đã được thiết lập. Tuy nhiên kỹ thuật canh tác, chăm sóc của người dân còn nhiều hạn chế. Bởi vậy cấp uỷ, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất chè theo quy trình VietGAP.
Việc hình thành và phát triển diện tích chè nhiều năm tại 2 xã Liên Hiệp và Đức Xuân có thể thấy, điều kiện thời tiết, khí hậu ở đây thích hợp với giống chè Shan tuyết, và có thể cho ra những sản phẩm chè thành phẩm chất lượng. Bởi vậy 2 xã đang hình thành vùng sản xuất tập trung và nâng cao chất lượng để cây chè thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân./.
Thanh Loan- Hoàng Duynh (Bắc Quang)
Ý kiến bạn đọc