Hà Giang là địa phương đứng thứ 3 cả nước về diện tích chè, đứng đầu cả nước về diện tích chè Shan tuyết với trên 18.000ha. Đến nay nhiều sản phẩm thương hiệu chè Shan tuyết của Hà Giang đã vươn ra thị trường thế giới và ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên đánh giá chung cho thấy, tiềm năng để cây chè Hà Giang phát triển còn rất lớn, trong đó vấn đề quy hoạch vùng, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX và quan tâm xây dựng nhãn hiệu đủ mạnh là những yếu tố quan trọng nhất để hương chè Shan vươn xa.
Chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây di sản Việt Nam |
Người dân thu hái chè Shan tuyết |
Với ưu thế vượt trội, giá trị sản xuất ngành chè đem lại gần 690 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% giá trị ngành trồng trọt của toàn tỉnh. Chè Shan tuyết được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, được xem là "vàng xanh" của núi rừng cực Bắc. Đặc biệt, Hà Giang hiện có gần 40 sản phẩm chè của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được phát triển thành sản phẩm OCOP. Trong đó, 2 sản phẩm chè xanh và hồng trà nhãn hiệu bà cụ của Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.
Tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên ngành sản xuất, chế biến chè của Hà Giang hiện nay cũng đang gặp phải nhiều khó khăn như: Vùng nguyên liệu phân tán, tập quán canh tác của người nông dân còn nhiều hạn chế; thiếu các doanh nghiệp, HTX, nhãn hiệu đủ tầm. Để giá trị cây chè Shan vươn tầm thế giới, nhiều chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo, Hà Giang cần làm tốt công tác quy hoạch vùng; đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX; thực hiện chế biến sâu gắn với tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Trong chiến lược phát triển của mình Hà Giang cũng xác định cây chè Shan tuyết là 1 trong 5 loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực, nhân lực, khoa học công nghệ đưa sản phẩm chè Shan thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm du lịch. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi mối liên kết 5 nhà giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, chính quyền địa phương và công tác truyền thông cần được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa./.
Tuấn Quỳnh – Đình Anh
Ý kiến bạn đọc