Những ngày Xuân, về với mảnh đất biên cương Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ thấy nơi đây đã thực sự thay da, đổi thịt, khoác lên mình một diện mạo nông thôn tươi mới, dần đủ đầy trong cuộc sống của Nhân dân các dân tộc.
Người dân thôn Na Lình, xã Nghĩa Thuận trồng cây nông nghiệp trái vụ đạt hiệu quả cao |
Nụ cười vẫn còn tươi trên khuôn mặt của những người trồng cây hồng không hạt, cây cà chua trái vụ tại thôn Na Lình, xã Nghĩa Thuận trong năm vừa qua. Trong đó có gia đình anh Sân Xín Thanh, với diện tích hồng không hạt cùng 8.000 cây cà chua trái vụ đã cho gia đình anh Thanh thu nhập trên 150 triệu đồng sau khi đã trừ các loại chi phí và công chăm sóc. Chưa kể gia đình anh Thanh còn chủ động chăn nuôi lợn để tăng thêm thu nhập. Không chỉ có gia đình anh Sân Xín Thanh, thôn Na Lình mà còn nhiều hộ gia đình trồng cây nông nghiệp trái vụ tại xã Nghĩa Thuận cũng được một mùa bội thu về năng suất và giá bán.
Năm 2023, giá trị thu nhập/ha diện tích đất tại xã Nghĩa Thuận là 63 triệu đồng, đạt 105% so với Nghị quyết đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm; 121 đã hộ thoát nghèo bền vững trong năm. Một cái Tết ấm no, đầy đủ hơn đến với người dân vùng biên cương của Tổ Quốc.
Đồn Biên phòng và xã Nghĩa Thuận tổ chức các hoạt động gắn kết tình quân dân |
Tết về trên dải đất biên cương Nghĩa Thuận còn đặc biệt và thắm đượm tình quân với dân, khiến mùa Xuân nơi vùng đất biên cương không chỉ có sự đủ đầy và còn thêm ấm áp tình đồng chí, đồng đội, đồng bào. Xuân đẹp hơn thông qua các hoạt động gắn kết tình quân dân như: Thăm, tặng quà, gói bánh trưng và cùng đón Tết với nhân dân.
Nghĩa Thuận nay thật bừng sáng và khang trang hơn lại càng khẳng định chân lý “Ý Đảng, lòng dân”, việc gì khó cũng có thể vượt qua. Trong đó có sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi phiên dậu của Tổ Quốc. Tiết trời trong xanh, nắng ấm, hoa đào, hoa mận đua sắc bung nở. Báo hiệu nàng Xuân đã gõ cửa từng nhà.
Hoàng Chính (Quản Bạ)
Ý kiến bạn đọc