“Mỗi xã một sản phẩm”, viết tắt là OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Với mục tiêu đó, các địa phương toàn tỉnh đã tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP để thúc đẩy liên kết chuỗi trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân...
Hồng trà - sản phẩm của HTX chế biến chè Phìn Hồ đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia |
Trà xanh hộp 100gr và Hồng trà hộp 100gr là 2 sản phẩm của HTX chế biến chè Phìn Hồ đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia. Đây cũng là 2 sản phẩm đầu tiên của tỉnh đạt OCOP 5 sao và là niềm tự hào của các hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì. Sau khi đạt OCOP 5, HTX liên tiếp nhận được tín hiệu thị trường khá tốt khi có nhiều đơn vị ký kết đơn hàng về chè hữu cơ cao cấp.
Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, nhất là những điểm mới trong triển khai chương trình OCOP, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ các chủ thể tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP. Đến nay, xã đã có 4 sản phẩm đạt 3 và 4 sao. Qua đó, khẳng định chất lượng, thương hiệu đặc sản của địa phương và thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hoá, nâng cao thu nhập cho người dân.
Toàn tỉnh hiện có 157 sản phẩm đạt sao OCOP. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, 3 sản phẩm 4 sao và 152 sản phẩm 3 sao. Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp 25 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu dùng chung. Các sản phẩm này đã được xây dựng bộ công cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý, khai thác và xúc tiến thương mại. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Thông qua chương trình OCOP, các chủ thể sẽ không ngừng đổi mới, sáng tạo, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn. Đây cũng chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Phương Thảo – Công Sáu
Ý kiến bạn đọc