Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Phát triển chuỗi giá trị từ chăn nuôi bò hàng hóa

17:00, 05/07/2024

Chăn nuôi bò nhốt chuồng là thế mạnh của 4 huyện vùng Cao nguyên đá, chất lượng thịt bò vàng được nuôi ở đây có nhiều điểm nổi trội hơn thịt bò nuôi ở các vùng khác như thịt mềm, thơm, có nhiều chất đạm và được người tiêu dùng rất ưa chuộng. UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và xây dựng thành công sản phẩm thịt bò vàng mang thương hiệu riêng biệt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với chỉ dẫn địa lý thịt bò vàng Hà Giang. Đây được xem là lợi thế để phát triển đàn gia súc, giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững trên cao nguyên đá.

 

Thu nhập từ chăn nuôi bò hàng hóa chiếm 38% tổng thu nhập về nông nghiệp của huyện Mèo Vạc

Trong năm 2024, huyện Mèo Vạc đặt mục tiêu tổng đàn gia súc của huyện đạt trên 65.000 con, trong đó đàn bò trên 33.800 con; bò xuất chuồng 4.500 con tương đương với 288 tỷ đồng, thu nhập từ chăn nuôi bò hàng hóa chiếm 38% tổng thu nhập về nông nghiệp của huyện. Phát huy những thành quả đạt được, huyện Mèo Vạc tiếp tục thực hiện chương trình phát triển đàn bò hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn trâu bò của toàn huyện đạt 45.700 con, mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 2.300 – 2.500 con bò thịt, thu nhập từ chăn nuôi gia súc chiếm 55% tổng giá trị của ngành nông nghiệp.

Bò vàng là giống bò được nuôi chủ yếu tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá và 2 huyện vùng cao phía Tây

Bò vàng là giống bò được nuôi chủ yếu, chiếm đến 3/4 tổng số bò của tỉnh và được phát triển tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá và 2 huyện vùng cao phía Tây. Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2024, toàn tỉnh có khoảng trên 185.000 con bò vàng. Phát triển chăn nuôi bò vàng, bò hàng hóa và chế biến các sản phẩm thịt bò đang mở ra cơ hội làm giàu cho người dân 4 huyện vùng cao núi đá cũng như các huyện vùng núi thấp trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 185.000 con bò vàng

Theo Chỉ dẫn địa lý số 00073 của Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang, phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại địa bàn 44 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý, sản phẩm bò vàng của Hà Giang không ngừng được nâng cao giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước.

Từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý, sản phẩm bò vàng của Hà Giang không ngừng được nâng cao giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước

Có thể thấy, chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho thịt bò vàng Hà Giang có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế của tỉnh; giữ gìn, bảo tồn và phát triển giống bò địa phương, đưa sản phẩm thịt bò Hà Giang trở thành sản phẩm tiếp cận được thị trường trong nước và thế giới; tạo nền tảng để thúc đẩy chăn nuôi phát triển, giúp người dân tăng thêm thu nhập, hiện thực hóa mục tiêu làm giàu, giảm nghèo nhanh và bền vững trên cao nguyên đá cũng như các nông hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh./.

Trường Giang – Tiến Thành


Ý kiến bạn đọc