Bò Vàng hay còn gọi là Bò Mông thường được nuôi trên những đỉnh núi cao, tập trung tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần của tỉnh Hà Giang. Từ bao đời nay, Bò Vàng được coi là nguồn sinh kế chính, gắn với cuộc sống thường ngày của đồng bào người dân tộc Mông. Những năm qua, các địa phương đã đẩy mạnh chăn nuôi bò vàng theo hướng hàng hóa, đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương.
Gia đình bà Thò Thị Già thôn Há Chế xã Tả Lủng huyện Mèo Vạc từng là một nông hộ nghèo của thôn Há Chế |
Gia đình bà Thò Thị Già thôn Há Chế xã Tả Lủng huyện Mèo Vạc từng là một nông hộ nghèo của thôn Há Chế, 5 năm trở lại đây gia đình bà Già trở thành một trong những điển hình của thôn về ý chí vươn lên thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi bò. Mỗi con bò bán ra với giá từ 25-30 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu lãi từ 8-10 triệu/trên lứa. Bà Thò Thị Già chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi là hộ nghèo, nhưng nhờ vay vốn của nhà nước mua bò về vỗ béo, từ năm 2016 đến nay năm nào nhà tôi cũng nuôi từ 8-10 con bò nuôi nhốt chuồng, tôi chăm sóc bò theo hình thức nuôi vỗ béo bán cho thương lái nên lãi cũng cao, giờ đây gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Năm 2024, Mèo Vạc đặt mục tiêu tổng đàn gia súc của huyện đạt trên 65.000 con, trong đó đàn bò trên 33.800 con; bò xuất chuồng 4.500 con tương đương với 288 tỷ đồng, thu nhập từ chăn nuôi bò hàng hóa chiếm 38% tổng thu nhập về nông nghiệp của huyện.
Bò vàng là giống bò được nuôi chủ yếu, chiếm trên ¾ tổng số bò của tỉnh Hà Giang |
Bò vàng là giống bò được nuôi chủ yếu, chiếm trên ¾ tổng số bò của tỉnh Hà Giang. Bò Vàng thịt rất ngọt, mềm. Bò trưởng thành đủ tiêu chuẩn xuất chuồng thường từ 3 – 5 năm tuổi. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bò Vàng Hà Giang. Đây là cơ sở quan trọng để các hộ chăn nuôi bò Vàng ở Hà Giang chú trọng phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo cơ cấu hợp lý, quy hoạch phát triển vùng.
Bò Vàng không chỉ là một sản phẩm ngành Nông nghiệp mà còn là một thương hiệu mang đậm bản sắc văn hóa của người H’Mông. Việc phát triển thương hiệu bò Vàng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn quảng bá hình ảnh du lịch của Hà Giang. Giúp đồng bào người H’Mông ở vùng cao Hà Giang thoát nghèo bền vững.
Trường Giang- Tiến Thành
Ý kiến bạn đọc