Trong khi người trồng cam ở huyện Bắc Quang đang phấn khởi kỳ vọng vào vụ cam sành được mùa được giá thì tại huyện Vị Xuyên, hy vọng nâng cao thu nhập từ trồng cây ớt phục vụ chế biến, xuất khẩu của người dân xã Tùng Bá đã nhanh chóng bị dập tắt. Bởi ớt thành phẩm đã giao cho Công ty liên kết nhưng số tiền nhận lại mới chỉ khoảng 60% và chưa biết bao giờ mới hoàn thiện việc thanh toán. Thực trạng này đã khiến không ít hộ trồng ớt lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần.
Người dân xã Tùng Bá lao đao vì ớt
Bởi ớt thành phẩm đã giao cho Công ty liên kết nhưng số tiền nhận lại mới chỉ khoảng 60% |
Từ tháng 10/2023, Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản T9 thực hiện chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng ớt phục vụ chế biến và xuất khẩu tại 18 xã, thị trấn của 5 địa phương. Trong đó, xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên là mô hình điểm, trồng 9,5 ha ớt. Theo đó, Công ty hỗ trợ HTX, người dân trả chậm 50% tiền phân bón, cây giống và bảo đảm bao tiêu, thu mua ớt tươi từ 17 – 20 nghìn đồng một kg. Hợp đồng là vậy nhưng khi ớt bán xong 2,2 tấn ớt thương phẩm cho Công ty, anh Nông Văn Xuyên mới chỉ nhận được 60% số tiền, vừa đủ trang trải tiền giống, công chăm sóc, còn anh vẫn đang phải nợ tiền phân bón.
Tại thời điểm bắt đầu triển khai, dự án được đánh giá là mở ra hướng đi mới |
Tại thời điểm bắt đầu triển khai, dự án được đánh giá là mở ra hướng đi mới, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp địa phương, giúp người nông dân gia tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Bởi theo tính toán với 1 nghìn mét vuông, sản lượng ớt đạt khoảng 8 đến 10 tạ, cho thu nhập khoảng 14 - 15 triệu đồng một vụ, cao hơn gấp nhiều lần so với các cây trồng khác. Thế nhưng, sau 4 tháng chờ đợi và nhiều lần hứa, người dân trồng ớt xã Tùng Bá đã phải nhổ hoàn toàn cây ớt, quay trở về trồng cây ngô, lạc, dưa chuột.
Người dân trồng ớt xã Tùng Bá đã phải nhổ hoàn toàn cây ớt, quay trở về trồng cây ngô, lạc, dưa chuột |
Hiện nay, Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản T9 đã thu mua của người dân xã Tùng Bá hơn 30 tấn ớt thành phẩm, với tổng số tiền 520 triệu đồng; công ty mới thanh toán được 300 triệu đồng, còn nợ lại người dân 220 triệu đồng. Trước tình trạng này, xã Tùng Bá đã đề nghị công ty tiến hành thanh toán theo đúng cam kết, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Trong nông nghiệp, muốn có hiệu quả và tăng giá trị thì phải sản xuất theo quy mô lớn, đồng bộ và có sự liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ riêng việc chậm thanh toán tiền ớt cho người dân tại xã Tùng Bá, mà tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa người dân và doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Chính vì thế các ngành, địa phương cần hết sức quan tâm trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ tâm và đủ tầm để thực hiện chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp./.
Phương Duyên- Phạm Lực
Ý kiến bạn đọc