Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Tô thắm truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam

15:17, 06/01/2021

Trong suốt chặng đường vẻ vang 75 năm qua, các thế hệ ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh đại diện cho hơn 87.000 cử tri của địa phương luôn đoàn kết, trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh tham gia hiệu quả hoạt động của Quốc hội - Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh khẳng định.

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa 1. Ảnh: TL
Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa 1. Ảnh: TL

Lịch sử ghi: Cách đây 75 năm, chỉ một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “Tổ chức càng sớm, càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Đồng thời ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiều bầu cử Quốc hội. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác, ngày 6.1.1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước ta diễn ra trên cả nước, bầu 333 đại biểu đại diện cho tầng lớp nhân dân. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh dấu sự ra đời của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước; thành lập một Chính phủ thống nhất.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, các thế hệ ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh đại diện cho hơn 87.000 cử tri của địa phương luôn đoàn kết, trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh tham gia hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đoàn ĐBQH tỉnh có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, đóng góp tích cực vào hoạt động tại các kỳ họp của Quốc hội, thể hiện trách nhiệm trước cử tri. Qua theo dõi cho thấy, trong các kỳ họp gần đây, các ĐBQH của tỉnh tích cực nghiên cứu tài liệu, chủ động tham gia thảo luận tại tổ, tại hội trường, đóng góp nhiều ý kiến quý báu thể hiện trách nhiệm trước cử tri, góp tiếng nói cùng Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, thảo luận hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Thư viện, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vương Ngọc Hà nghiên cứu rất sâu, tham gia phát biểu với 3 nội dung rất trọng tâm, cũng là những trăn trở xuất phát từ thực tiễn cơ sở, góp phần hiệu quả trong quá trình xây dựng luật: Thứ nhất, làm thế nào để thư viện gần hơn với bạn đọc; thứ hai, đại biểu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có hướng dẫn rõ trách nhiệm của các thư viện địa phương về nội dung được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 10 đó là tài nguyên thông tin của địa phương và về địa phương phải bao gồm cả những tài liệu bằng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đó; thứ ba, về Điều 7 tài nguyên thông tin sử dụng hạn chế trong thư viện. Tại điểm a, khoản 1 có quy định “Tài nguyên thông tin có nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước...”, theo đại biểu đây là một nội dung rất đặc thù, dự thảo luật cần tách thành một điều riêng với quy định của loại tài liệu này và nên quy định “tài nguyên thông tin được lưu trữ và sử dụng khi được cho phép” và cũng quy định nội dung cho phép là giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này…

Hay như, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV mới đây, khi thảo luận tại tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; các ĐBQH đoàn Hà Giang đã chủ động nghiên cứu, tham gia thảo luận tích cực. Đại biểu Vương Ngọc Hà đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, có những quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ của lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở ngoài các nhiệm vụ như việc nắm bắt tình hình mâu thuẫn xã hội, việc tụ tập đông người, khiếu kiện đông người... vì trong thời gian tới lực lượng này sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc tham gia hòa giải ở cơ sở. Về phần cơ chế đảm bảo cho lực lượng, đối với nội dung quy định trụ sở làm việc, trong dự án luật quy định chung chung, không biết có phải tất cả các nơi đều phải có trụ sở không, nếu phải có trụ sở cho lực lượng này thì nguồn kinh phí sẽ là ngân sách địa phương hay của ngành Công an.

Còn đại biểu Thào Xuân Sùng đánh giá cao việc ban hành luật này, tuy nhiên cần phải đầu tư lớn hơn nữa và phải khảo sát kỹ hơn nữa thì dự án luật mới có thể đáp ứng được trong điều kiện chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển kinh tế mở. Đại biểu Triệu Tài Vinh cho rằng, việc thành lập tổ đảm bảo an ninh trật tự thôn bản là rất cần thiết, tuy nhiên khi dự án luật được ban hành thì mối quan hệ giữa lực lượng này với lực lượng công an viên thôn bản, công an viên của xã và dân quân ở cơ sở cần phải chặt chẽ hơn.

… Và còn nhiều, rất nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu đóng góp cho Quốc hội trong quá trình xây dựng luật và ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng, quyết định trực tiếp đến quốc kế dân sinh. Tại lễ kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định: Trong nhiệm kỳ, đoàn có 9 lượt chất vấn, 56 lượt tham gia phát biểu thảo luận tại tổ và tại hội trường về các vấn đề quan trọng. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 26 hội nghị, hội thảo, hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT) chuyên đề gắn với lấy ý kiến vào 103 dự án luật. Tổ chức 25 cuộc giám sát, khảo sát, tập trung vào các vấn đề cấp thiết liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Chủ động phối hợp tổ chức TXCT định kỳ trước và sau các kỳ họp Quốc hội tại 172 điểm;  TXCT theo chuyên đề 11 cuộc. Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Thời gian tới Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục đề cao và thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, MTTQ và các cơ quan hữu quan nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026…

THIÊN THANH