Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Bộ Y tế họp với các tỉnh, thành phố về “Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022”

13:16, 10/03/2022

Ngày 10/03, Bộ y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố bàn về công tác “Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022”. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh Hà Giang.

Điểm cầu tỉnh Hà Giang

Những năm qua, Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Hành lang pháp lý về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng được quy định cụ thể, có tính răn đe cao. Đặc biệt, việc triển khai Nghị định số 70/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Qua đó, ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân về cơ bản đã được nâng cao.

Tuy nhiên, các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là báo mạng, website còn phổ biến, quảng cáo tràn lan trên zalo, facebook, youtube, các website có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung, không xác định được chủ thể vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm. Sự phát triển công nghệ số đã rất dễ dàng tạo các clip, video sử dụng hình ảnh các cơ sở y tế, bác sỹ, hình ảnh Đài truyền hình Việt Nam, các báo lớn hoặc sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh. Một số công ty thuê địa điểm, tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại, tư vấn, giả danh bác sỹ, dược sỹ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để tư vấn liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Vì lợi nhuận: một số tổ chức, cá nhân quảng cáo quá mức về tác dụng của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung...

Đối với tỉnh Hà Giang, toàn tỉnh hiện có 02 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng là: Công ty cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng đã có Giấy chứng nhận cơ sở thực hành tốt sản xuất (GMP) số: 394 do Cục quản lý Dược cấp. Công ty cổ phần tập đoàn dược Bảo Châu cũng đã có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm cấp. Toàn tỉnh có tổng số 462 cơ sở kinh doanh nhà thuốc, quầy thuốc có bày bán, kinh doanh thực phẩm chức năng. Nhưng không có cơ sở đăng ký hoạt động quảng cáo đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị: Các Bộ, ngành, cơ quan quản lý theo chức năng nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Chỉ đạo các cơ quan phát hành quảng cáo thuộc sự quản lý của Bộ ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đăng công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp nhất là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các Công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan y tế, có biện pháp mạnh với Facebook, google, youtube, yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc pháp luật Việt Nam về quảng cáo. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng...

Đình Anh


Ý kiến bạn đọc