Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số họp phiên lần thứ 2

18:54, 27/04/2022

Sáng 27.4, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp thứ 2 nhằm đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quý I-2022. Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh…

Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

 Thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã có chuyển biến rõ nét, 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh thực hiện. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả. Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, trong quý 1 năm 2022 đã bồi dưỡng, tập huấn được gần 1.000 cán bộ, công chức. Với Hà Giang, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã có mạng LAN, kết nối Internet; 80% cơ quan cấp tỉnh đã có tỷ lệ sử dụng chữ ký số cá nhân; 100% cán bộ công chức có hộp thư tài khoản thư điện tử và thường xuyên sử dụng. Đặc biệt, tỉnh đã làm tốt công tác truyền thông số nhằm quảng bá hình ảnh, con người Hà Giang trên không gian mạng….

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh chủ trì phiên họp tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển, tuy nhiên trong bối cảnh thời gian, nguồn lực đều có hạn. Trong thời gian tới việc đầu tư cho CĐS phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải, chia cắt, manh mún, rời rạc, lựa chọn những việc có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai; tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương phải phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển CĐS; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách với tinh thần là xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo, đồng thời tích cực hoàn thiện các cơ sở dữ liệu. Các địa phương, các bộ, ngành phải tăng cường công tác thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận, sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp để cùng vào cuộc với cấp chính quyền. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội để thúc đẩy công cuộc CĐS. Phát triển hài hòa, hợp lý, gắn kết giữa công nghệ và cải cách hành chính. Đặc biệt, phát triển CĐS cần có sự kế thừa và đổi mới, sáng tạo nhằm tạo nên một nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế hiện đại phát triển vượt bậc.

Đình Anh- Hải Hà


Ý kiến bạn đọc