Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Chiến thắng Đồng Lộc – chiến thắng của quyết tâm giải phóng miền Nam

11:43, 22/07/2022

 Năm 1988, Huyện ủy Can Lộc xin Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh tổ chức lễ “Kỷ niệm 20 năm ngày 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh rất đồng tình và giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã đề xuất tiêu đề là: “Kỷ niệm 20 năm chiến thắng Đồng Lộc và gương hy sinh 10 cô gái thanh niên xung phong” để xứng tầm với chiến công mà quân và dân Hà Tĩnh cùng với cả nước đã lập nên ở Ngã Ba Đồng Lộc. Từ đó đến nay sự kiện lịch sử này ngày càng được ghi nhận và hiểu đầy đủ hơn ý nghĩa và tầm vóc của nó.

Lực lượng dân công hoả tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại khu vực ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

Chiến công ở Ngã Ba Đồng Lộc, một địa chỉ mà vào thời điểm những năm 1967 -1968 là giao điểm nằm trên đường 15A, thuộc huyết mạch giao thông mà toàn bộ chi viện sức người, sức của của miền Bắc vào miền Nam đều qua điểm chốt này. Kẻ địch đã phát hiện được và tập trung đánh phá nhằm chặn đứng và cắt đứt huyết mạch giao thông vô cùng quan trọng này. Cuộc chiến đấu ác liệt với ý chí kiên cường và tinh thần hy sinh anh dũng của các lực lượng tham gia đảm bảo giao thông, bằng mọi cách để đường không bị tắc, giữ vững thông suốt trước bom mưa, bão đạn mà kẻ địch ngày đêm dội vào đây.

Chiến thắng Đồng Lộc, nằm trong chuỗi những chiến công lớn mà quân và dân Hà Tĩnh với vị trí chiến lược là hậu phương lớn của chiến tranh miền Nam và tiền tuyến lớn của hậu phương miền Bắc đã đóng góp xứng đáng vào chiến công vĩ đại của dân tộc, đánh thắng đế quốc Mỹ giành thống nhất Tổ quốc. Cùng với sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom vào vùng Vinh - Bến Thủy (Nghệ An) và Gia Lách, Xuân An (Hà Tĩnh), liên tiếp những ngày sau chúng tiếp tục đánh bom vào nhiều nơi ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngày 26/3/1965, địch tập trung đánh vào thị xã Hà Tĩnh, ở trận chiến đấu này giặc Mỹ đã bị giáng đòn chí tử. Chỉ với một đại đội pháo cao xạ 37 ly cùng với dân quân tự vệ của thị xã Hà Tĩnh và các xã lân cận như Thạch Tân, Thạch Lâm, Thạch Phú… đánh trả quyết liệt bắn rơi 4 máy bay Mỹ ở trận địa Núi Nài. Vào thời điểm đó, đây là chiến thắng vang dội nhất của cả miền Bắc. Hà Tĩnh cũng là tỉnh đầu tiên bắn rơi máy bay “cánh cụp cánh xòe”, máy bay F-105 bằng súng bộ binh, bắt giặc lái và hạ máy bay trực thăng cứu phi công; bắn cháy tàu chiến Mỹ với pháo 75 ly…

Đoàn quân giải phóng trên quốc lộ I từ Nha Trang tiến về giải phóng miền Nam. (Ảnh: Lâm Hồng Long

Trên mặt trận sản xuất bảo đảm đời sống và an toàn cho dân, những điển hình về thâm canh lúa như hợp tác xã Đại Thanh, Mật Thiết; nhiều công trình trung và tiểu thủy nông ra đời như Thượng Tuy, Vực Trống, Cửa Thờ - Trại Tiểu; nhà máy cơ khí Ấp Bắc; ngọn cờ giáo dục toàn dân xã Cẩm Bình nổi tiếng cả nước… Đặc biệt trên mặt trận đảm bảo giao thông chi viện cho miền Nam xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời. Đó là 10 cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc cùng với các Anh hùng La Thị Tám, Uông Văn Lý, Nguyễn Tiến Tuẫn, Vương Đình Nhỏ…; Tiểu đội nữ dân quân Kỳ Phương; quân dân xã Tiến Lộc ở bến đò Cầu Già, tự vệ nông trường 20/4… Chiến công rực rỡ nhất là ở Ngã Ba Đồng Lộc, vì đây là tâm điểm của cuộc chiến vào thời điểm mà địch thì ra sức ngăn chặn, còn ta thì bất luận ác liệt đến đâu cũng quyết tâm không để tắc đường. Các lực lượng gồm bộ đội, công an, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ… tất cả vì thông đường, thông xe mà anh dũng hy sinh chiến đấu. Ở đây đã để lại nhiều chiến tích anh hùng với những tấm gương hy sinh anh dũng, trong đó có Trung đoàn pháo cao xạ Thủ đô, có lực lượng thanh niên xung phong và các lực lượng đảm bảo giao thông của quân và dân xã Đồng Lộc và các xã lân cận như Mỹ Lộc, Thượng Lộc, Trung Lộc… mà đỉnh cao là sự hy sinh của 10 cô gái Thanh niên xung phong. Cuộc chiến đấu ở Đồng Lộc biểu hiện đầy đủ sức mạnh của chiến tranh nhân dân, của ý chí vì miền Nam, vì thống nhất Tổ quốc, được hun đúc nên từ truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm bao đời nay của dân tộc Việt Nam.

Tượng đài Ngã Ba Đồng Lộc sừng sững hiên ngang ghi dấu mốc chói lọi của sự chiến đấu dũng cảm, kiên cường hy sinh cao cả, với quyết tâm nhìn thẳng vào kẻ thù mà chiến đấu và chiến thắng. Đó là biểu tượng của những cô gái, chàng trai tràn đầy sức sống không sợ gian khổ, hy sinh, tiếp bước truyền thống cha ông hiên ngang trước bom đạn kẻ thù để chiến đấu và chiến thắng với lý tưởng và mục tiêu cao cả: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, giành độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn Tổ quốc, đi lên CNXH.

TS Đặng Duy Báu


Ý kiến bạn đọc