Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Toạ đàm, xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với trải nghiệm tinh hoa ẩm thực Hà Giang

15:29, 23/04/2023

Nằm trong khuôn khổ của Festival khèn Mông và lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền Bắc-Trung-Nam năm 2023; Sáng 23/4, tại Khách sạn Yên Biên Luxury, Sở Văn hóa TT&DL Hà Giang tổ chức Tọa đàm xây dựng sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm tinh hoa ẩm thực Hà Giang. Tham dự tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý; Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục du lịch Việt Nam Nguyễn Lê Phúc. Ngoài ra, sự kiện có sự tham gia của 60 đại diện doanh nghiệp, Câu lạc bộ lữ hành, Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam; cùng Lãnh đạo và đại diện của 14 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

Toàn cảnh tọa đàm

Báo cáo đề dẫn kết quả phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang nêu rõ: Hiện nay, sản phẩm du lịch Hà Giang đa dạng được khai thác quanh năm, dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống của 19 dân tộc. Đặc biệt, Hà Giang có kho tàng văn hóa ẩm thực phong phú và hấp dẫn. Nhiều món ăn được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam vinh danh vào top 100 món ăn đặc sản và quà tặng Việt Nam.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại buổi tọa đàm.

Xây dựng sản phẩm du lịch mới lần này, Hà Giang tập trung vào tuyến số 4 với chủ đề: Hành trình đến với tương lai xanh, gồm 14 điểm. Tuyến đường sẽ từ Thành phố Hà Giang đi Bắc Mê đến Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là sản phẩm du lịch khác biệt, tạo nên sự hoàn chỉnh với 3 tuyến trước đó và phù hợp với Quy hoạch với phát triển du lịch của tỉnh.

Trên tinh thần thẳng thắn, tại tọa đàm các đại biểu đã chỉ rõ ưu điểm, hạn chế trong phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang; Đa số, các đại biểu cho rằng, Hà Giang là vùng đất có tiềm năng du lịch rất lớn, tuy nhiên để du lịch Hà Giang phát triển bền vững thì Hà Giang cần quan tâm nhiều hơn đến cơ sở hạ tầng giao thông, bưu chính viễn thông; công tác quy hoạch không gian văn hóa; xây dựng các sản phẩm bổ trợ du lịch phong phú cùng các quà lưu niệm độc đáo làm tăng thêm nguồn thu cho du lịch.

Ở góc nhìn về sản phẩm ẩm thực của Hà Giang, các đại biểu cũng cho rằng, Hà Giang có một nền ẩm thực rất phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc riêng. Vì vậy, để thu hút khách du dịch, Hà Giang cần đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua những tinh hoa của ẩm thực. Một trong số đó, Hà Giang cần nâng tầm các thương hiệu ẩm thực từ cây hoa tam giác mạch.

Khẳng định ẩm thực là một phần không thể thiếu trong mỗi sản phẩm du lịch và góp phần tạo ra sức hút với du khách, việc kết hợp ẩm thực và du lịch sẽ tạo cơ hội lớn cho phát triển và quảng bá du lịch. Tuy nhiên để làm được điều này, chuyên gia ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam đề xuất Hà Giang trước hết cần quan tâm nhiều hơn đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Hiệp hội ẩm thực Nhật Bản – Việt Nam Matsuo Tomoyuki trao đổi tại buổi tọa đàm

Ông Matsuo Tomoyuki – Chủ tịch Hiệp hội ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam cho biết: “Để quảng bá về văn hóa, du lịch tôi nghĩ tỉnh Hà Giang nên quảng bá bằng ẩm thực, vì nhu cầu của con người thông thường ai cũng ăn 3 bữa/ngày. Để làm được điều này, chúng ta cần giữ gìn môi trường sạch sẽ và các nguyên liệu để làm món ăn cũng cần được đảm bảo sản xuất sạch, nuôi/trồng hữu cơ hoặc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm”.

Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm thu phí đối với một số địa điểm du lịch tại địa phương

Ngoài ra, các đại biểu, các doanh nghiệp lữ hành cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến vào dự kiến mức thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và Bảo tàng tỉnh. Khẳng định, việc thu phí nhằm tăng nguồn thu tái đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất, cảnh quan môi trường trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn...

Các đại biểu thực hiện nghi lễ kích hoạt công bố sản phẩm du lịch tuyến số 4

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch kỳ vọng du lịch Hà Giang sẽ góp phần vào thành công của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2023 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, Hà Giang nên tận dụng tài nguyên địa lý, văn hóa ẩm thực để phát triển sản phẩm mới, du khách có thể tham gia vào các tour sản phẩm trải nghiệm tinh hoa ẩm thực, chợ đêm… Hà Giang cũng cần có đầu tư đúng mức để đảm bảo du lịch văn hóa ẩm thực đảm bảo 2 yếu tố: Vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ cảnh quan môi trường. 

Thay mặt UBND tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý tiếp thu các ý kiến góp ý, chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, hiệp hội, các nghệ nhân ẩm thực và các cơ quan quản lý du lịch của các tỉnh, thành. Đồng thời, Phó Chủ tịch Trần Đức Quý cũng đã chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp để tạo dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, bố trí các hoạt động dịch vụ tại các điểm đến hợp lý hơn, tìm kiếm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc tại điểm đến để xây dựng thành các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, đảm bảo cảnh quan môi trường, an toàn thực phẩm, sản phẩm du lịch thực sự phải đáp ứng nhu cầu của khách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia Lễ hội Văn hóa ẩm thực ba miền Bắc – Trung – Nam

Tại hội thảo, các đại biểu đã thực hiện nghi thức kích hoạt Công bố sản phẩm du lịch tuyến số 4 mang tên “Hàng trình đến với tương lai xanh”. Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tham gia Lễ hội Văn hóa ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam năm 2023 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang./.

Hải Hà- Hải Tú


Ý kiến bạn đọc