Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 10.6, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Thảo luận tại tổ 10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang gồm các đại biểu: Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn; Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hoàng Ngọc Định, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và đại biểu Vương Thị Hương đã thảo luận nhiều ý kiến vào 2 dự án luật trên.
Phó trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan thảo luận |
Thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn Lý Thị Lan đề nghị cần đưa vào giải thích từ ngữ về “hoạt động viễn thông công ích” cho dễ hiểu, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời cần bổ sung vào Chương III, dự thảo luật sửa đổi lần này một số nội dung định hướng: Quy định nguyên tắc, mô hình tổ chức, đặc biệt là cơ chế thu chi để Quỹ Viễn thông công ích hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Đại biểu nhấn mạnh, đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nếu không có Quỹ Viễn thông công ích hỗ trợ thì sẽ rất khó để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào.
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm nguồn hình thành Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích là: “nguồn sinh lời từ Quỹ”. Đại biểu cho rằng ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định các nội dung về “thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép viễn thông” ngay trong dự thảo luật mà không nên giao Chính phủ quy định.
Về vấn đề “SIM rác”, Phó Trưởng đoàn Lý Thị Lan đề nghị luật viễn thông sửa đổi lần này cần xem xét: Quy định chặt chẽ về việc sử dụng SIM chính chủ, bổ sung trách nhiệm của nhà mạng, trách nhiệm của đại lý và trách nhiệm của người đứng tên thuê bao để khắc phục triệt để tình trạng SIM rác; bổ sung quy định về việc đối soát thông tin khách hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đăng ký thông tin thuê bao di động.
Đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về nội dung thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về viễn thông cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng thụ hưởng, nhất là trong các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ bí mật đời tư cá nhân.
Thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Vương Thị Hương đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cấp số định danh cá nhân đối với người gốc Việt Nam, để đảm bảo việc cấp căn cước công dân (CCCD) đối với người gốc Việt phù hợp và thống nhất với quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 5 dự thảo Luật. Bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước đối với nội dung thu hồi thẻ CCCD. Theo đại biểu, có thể bổ sung cụm từ “thu hồi” vào khoản 5, Điều 6 như sau: “5. Cấp căn cước điện tử; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của luật này”.
Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận
Đại biểu Vương Thị Hương đề nghị quy định rõ cơ quan quản lý CCCD thực hiện việc thu hồi thẻ CCCD trong các trường hợp cụ thể. Xem xét quy định theo hướng linh hoạt đối với thông tin về nhóm máu, sinh trắc học về ADN và giọng nói để đảm bảo tính khả thi khi triển khai. Về nội dung thể hiện trên thẻ CCCD (Điều 19), theo đại biểu cần nghiên cứu, thống nhất quy định “Nơi đăng ký khai sinh lần đầu”, để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Hộ tịch, đồng thời tránh việc phải điều chỉnh, sửa đổi thông tin trên thẻ căn cước mỗi khi công dân đăng ký lại khai sinh.
Đại biểu cũng cho rằng, với quy định người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ CCCD theo nhu cầu, có thể xem xét quy định về độ tuổi cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 6 đến dưới 14 tuổi theo nhu cầu vừa đảm bảo tính khả thi, vừa đảm bảo quyền, lợi ích của công dân để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu thông qua cha mẹ, người giám hộ. Nghiên cứu bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ CCCD cho các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số hiện nay.
Về dự án luật này, đại biểu Hoàng Ngọc Định băn khoăn, tại khoản 2 Điều 46 (quy định chuyển tiếp) của dự thảo luật, hiện phần lớn sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng đã và đang sử dụng chứng minh thư do Quân đội cấp để thực hiện các giao dịch dân sự như ngân hàng, nhà đất, đăng ký kết hôn, nhập học cho con, đăng ký xe… Vậy khi Luật CCCD (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thì các đối tượng trên sử dụng chứng minh thư do Quân đội cấp để thực hiện các giao dịch dân sự như trước đây và trong thời gian tới có ảnh hưởng gì không? Đại biểu cũng cho rằng, tại Điều 10 về thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trường thông tin về giới tính cần có độ mở, không cứng nhắc, để tránh phải sửa trong quá trình triển khai bởi sẽ có các trường hợp người đã cấp căn cước công dân nhưng sau đó chuyển đổi giới tính.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận
Đại biểu Tráng A Dương Đoàn Hà Giang thể hiện sự nhất trí với tầm quan trọng cần sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cho rằng, dự thảo mở rộng đối tượng áp dụng đối với “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch” do điều kiện sinh sống lưu lạc, mất giấy tờ vẫn chưa được công nhận quốc tịch Việt Nam. Việc đưa đối tượng này vào trong đối tượng điều chỉnh của Luật Căn cước công dân sẽ giúp đảm bảo độ phù hợp của Luật trên thực tế và giúp các địa phương có cơ sở pháp lý giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong cấp giấy tờ tuỳ thân cho người gốc Việt Nam không có quốc tịch nhưng đang cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể hơn liên quan đến quy định này để đảm bảo không xung đột với các luật khác như Luật Quốc tịch Việt Nam. Qua nghiên cứu tham khảo một số thông tin các nước trên thế giới, đại biểu đưa ra dẫn chứng, mỗi nước có quy định khác nhau về độ tuổi bắt buộc phải có căn cước công dân đối với trẻ em.
Đại biểu Tráng A Dương thảo luận
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, với 19 triệu công dân dưới 14 tuổi, ước tính số tiền nhà nước và xã hội phải chi cho một số loại giấy tờ liên quan khoảng 2.000 tỷ. Trong khi đó, chi phí sản xuất mỗi thẻ căn cước là 48.000đ, vậy nếu 19 triệu trẻ em dưới 14 tuổi có nhu cầu cấp thẻ căn cước mất khoảng hơn 900 tỷ. Chính vì vậy, theo quan điểm của đại biểu thì cần cân nhắc và đánh giá tác động của việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi tại Điều 20 của dự thảo, cần đánh giá đầy đủ.
Thanh Hà (Trung tâm Thông tin- Công báo)
Ý kiến bạn đọc