Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia

15:11, 28/08/2023

Sáng 28/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 -  2025 tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện các chương trình MTQG. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo TW các chương trình MTQG dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành T.Ư. Tham dự hội nghị về phía tỉnh Hà Giang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh, và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 của 3 chương trình MTQG là 102 nghìn tỷ đồng. Qua tình hình phân bổ và giải ngân vốn ngân sách T.Ư, ước đến cuối tháng 8.2023, kết quả giải ngân được khoảng trên 16 nghìn tỷ đồng. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động cân đối, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình và có các giải pháp hỗ trợ tín dụng chính sách, huy động sự tham gia đóng góp từ các đối tác trong và ngoài nước. Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới đã bước đầu đạt yêu cầu của Chính phủ, Quốc hội. Hạ tầng KT - XH được đầu tư, cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; văn hóa, giáo dục và đào tạo phát triển vững chắc; chính sách an sinh xã hội được đảm bảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh phát biểu tham luận tại hội nghị

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh nêu rõ: Đối với tỉnh Hà Giang, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình MTTQ của tỉnh từ năm 2021 - 2023 là 5.419 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp. Đến nay, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 44,4%; vốn sự nghiệp đạt 25%. Dự kiến đến hết năm 2023, tỉnh tập trung chỉ đạo phấn đấu giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 90% trở lên và vốn sự nghiệp đạt 60% trở lên. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc lớn nhất và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến triển khai chậm và giải ngân vốn chưa đạt tiến độ tại tỉnh là do các chương trình MTQG thiết kế nhiều dự án, tiểu dự án thành phần, nội dung thực hiện. Bên cạnh đó, đối với chương trình hỗ trợ nhà ở trong chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh đề nghị và mong muốn Chính phủ xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi làm nhà ở. Do đặc thù của tỉnh miền núi và thiếu nguồn lực, Chính phủ cân đối hỗ trợ thêm nguồn kinh phí giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời, có cơ chế đặc thù ưu tiên với thủ tục quyết toán, xem xét giao cho tỉnh được nghiên cứu, ban hành trình tự, thủ tục, hồ sơ, thẩm định dự án.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan T.Ư và địa phương để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc, giúp việc giải ngân vốn được thông suốt. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp thông tin, tuyên truyền, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Bên cạnh việc đảm bảo cân đối nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các tỉnh, thành phố cần lồng ghép hiệu quả từ các chương trình, dự án khác theo hướng trọng tâm, trọng điểm tránh trùng chéo, dàn trải, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Từ đó, phát huy vai trò chủ thể, sức sáng tạo và nỗ lực vươn lên của người dân, góp phần phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới vững chắc./.

Hải Hà


Ý kiến bạn đọc