Chiều 21/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, chủ trì Hội nghị Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến đến các địa phương. Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang. |
Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được xem là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước thời kỳ 2021 – 2030 và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế, cơ hội và thách thức, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đặt mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện. Trong đó, tầm nhìn đến năm 2050 có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước.
Phát biểu phản biện, đóng góp vào quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, UBND các tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo quy hoạch bổ sung thêm nội dung phát triển mạng lưới giao thông đường thuỷ, đường sắt. Đồng thời, lưu ý đến các chính sách để bảo đảm an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, tạo nguồn nhân lực, giảm nghèo trong vùng…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức triển khai lập quy hoạch vùng bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tổ chức thực hiện xây dựng quy hoạch. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là vùng rất nhạy cảm, giàu bản sắc, nhiều tiềm năng nhưng lại chậm phát triển. Do đó, quy hoạch vùng phải nhận diện, phân tích đánh giá sâu sắc nguyên nhân, từ đó đề xuất định hướng phát triển vùng một cách thống nhất toàn diện. Trong đó, quy hoạch cần lưu ý đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực phát triển các ngành kinh tế, du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá đặc trưng của khu vực. Cùng đó, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm tạo nguồn nhân lực thông qua thúc đẩy phát triển giáo dục, đào tạo, gắn với bảo đảm an sinh xã hội./.
Hải Hà- Đình Anh
Ý kiến bạn đọc