Ngày 2/2, Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hà Giang có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Gia Long - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cấp tỉnh.
Các đại biểu dự phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Năm 2023, công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên cả 6 nội dung. Vai trò người đứng đầu từng bước được phát huy, 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đứng đầu. Trong năm các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.700 thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân; 100% các bộ ngành, địa phương đã công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ... Bên cạnh đó, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số cũng được triển khai quyết liệt, thực chất, nhất là việc ban hành văn bản triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử; tăng cường chất lượng dịch vụ công, triển khai Đề án 06. Kết quả, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các bộ, ngành đạt khoảng 80%, tăng 1,5 lần so với năm 2022, của địa phương khoảng 64%, tăng 1,8 lần so với năm 2022.
Đối với tỉnh Hà Giang, từ nguyên tắc: “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong năm đã rà soát, đơn giản hóa rút ngắn 30% thời gian giải quyết với 267 thủ tục hành chính, xây dựng quy trình liên thông giải quyết 555 thủ tục hành chính; cung cấp trên 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 96,9%. Kết quả đánh giá Bộ chỉ số năm 2023, Hà Giang đạt 76,9 điểm, xếp loại Khá, vươn lên vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sức lan tỏa của cải cách hành chính với sự phát triển đất nước. Yêu cầu đẩy mạnh đổi mới cả 6 nội dung cải cách hành chính, trong đó cải cách thể chế là nền tảng, cải cách thủ tục là trọng tâm, cải cách chế độ công vụ, công chức là động lực, cùng với cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và xây dựng Chính phủ số để tạo đột phá. Chú trọng cải cách hành chính từ cơ sở, nghiên cứu giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường cho cơ sở để giải quyết thủ tục, công việc cho người dân và doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Chủ động nghiên cứu, đề xuất những biện pháp, giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Sau phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội năm 2024./.
Phương Duyên - Tuấn Đạt
Ý kiến bạn đọc