Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp tham vấn các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc

17:21, 16/03/2024

Ngày 15/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp trực tuyến lấy ý kiến dự thảo báo cáo rà soát cơ chế đặc thù vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Vũ Văn Hồng phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

Toàn bộ địa giới hành chính vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái. Tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là 9.518 nghìn ha. Cấu trúc tổng thể của Quy hoạch vùng được tổ chức phát triển theo 4 tiểu vùng và 6 hành lang phát triển, 3 vành đai phát triển.

Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định vùng trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, là “phên dậu”, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia và có vai trò quyết định đối với nguồn năng lượng, nguồn nước và môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Đồng thời, đề xuất bổ sung đưa Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ vào danh mục các khu kinh tế trọng điểm để đầu tư giai đoạn 2026 - 2030; xem xét nâng mức hỗ trợ theo định mức đầu tư trồng rừng và định mức bảo vệ rừng; bổ sung chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cấp điện lưới quốc gia để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến dự thảo báo cáo rà soát cơ chế đặc thù vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông; phân cấp, phân quyền cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối, dự án cao tốc, quốc lộ, các dự án đi qua địa bàn 2 địa phương. Đồng thời, thảo luận về cơ chế chính sách giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế biên giới, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thủy điện; cải cách thủ tục hành chính; Phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc theo hướng xanh, bền vững và toàn diện trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường./.

Phương Duyên- Đình Anh


Ý kiến bạn đọc