Ngày 16/3, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 – 2030. Đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ dự, chỉ đạo hội nghị, cùng dự có đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang, có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô trên 411 nghìn căn. Trong đó, đã hoàn thành 71 dự án với gần 38 nghìn căn; khởi công xây dựng 127 dự án và chấp thuận chủ trương đầu tư 301 dự án. Cả nước hiện có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhu cầu vay vốn trên 27.900 tỷ đồng. Tính đến nay đã có 5 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số địa phương việc đầu tư xây dựng còn hạn chế so với mục tiêu của đề án; một số địa phương đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển nhà ở xã hội vừa là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện thắng lợi đề án, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đặt địa vị vào những người chưa có nhà ở để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy dự án nhà ở xã hội. Với mục tiêu trong năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương, các bộ, ngành để thực hiện cho đúng, hết khả năng, hết trách nhiệm, đạo đức xã hội với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Đề nghị các bộ, ngành cần tập trung xây dựng hướng dẫn Luật Nhà ở để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, thủ tục đầu tư; triển khai hiệu quả, thúc đẩy chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Các địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, số liệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra./.
Phương Duyên- Tuấn Quỳnh
Ý kiến bạn đọc