Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hội nghị trực tuyến triển khai công tác PCTN&TKCN năm 2024

16:39, 10/05/2024

 Sáng ngày 10/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở ngành của tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong năm 2023 thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với gần 2.000 trận thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt trên diện rộng. Bên cạnh đó, cả nước xảy ra trên 5.300 sự cố, thiên tai làm trên 1.100 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.300 tỷ đồng. Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích thiệt hại vật chất ước tính gần 400 tỷ đồng. Tại tỉnh Hà Giang, tính đến thời điểm hiện tại đã xảy ra 7 đợt thiên tai làm 1 người chết, 7 người bị thương, gần 7.000 nhà bị hư hỏng, trên 3.200 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng và nhiều trường học, công trình cấp nước, thủy lợi bị hỏng… Ước giá trị thiệt hại gần 53 tỷ đồng. Đặc biệt 4 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng, thiệt hại 23,5ha rừng các loại làm 2 người hi sinh, 2 người bị thương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định về tình hình thiên tai trong năm 2024; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng chống thiên tai trong năm…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần kiện toàn lại Ban chỉ đạo; chủ động rà soát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai; lòng ghép nội dung này vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các chương trình dự án đầu tư của địa phương mình; xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức diễn tập đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập với các tình huống mưa lũ lớn, ứng phó sự cố cứu hộ cứu nạn. Tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi giám sát thiên tai; triển khai hiệu quả công tác ứng phó với các trận thiên tai, sự cố lớn; kịp thời khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Hải Hà- Hồng Duyên


Ý kiến bạn đọc