Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia ý kiến vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

10:58, 18/06/2024

Chiều ngày 17/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội chia tổ thảo luận về Dự án luật Công chứng sửa đổi; Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Đoàn ĐBQH khóa 15 tỉnh Hà Giang đã có ý kiến đóng góp vào Dự án luật Công chứng sửa đổi khi thảo luận tại tổ 6, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Giang, Đồng Nai và Sóc Trăng.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV

Qua thảo luận, các ý kiến tại tổ 6 cơ bản nhất trí với Dự án luật Công chứng sửa đổi; Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH khóa 15 tỉnh Hà Giang đề nghị cần thể hiện rõ chính sách của Nhà nước ta về sử dụng tiếng Việt và tiếng nói, chữ viết của 53 dân tộc dùng trong công chứng, để tạo thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số khi tham gia công chứng và sử dụng các văn bản công chứng.

 Đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét bỏ quy định hành vi bị nghiêm cấm tại điểm e khoản 1, Điều 7, vì theo Luật Quảng cáo năm 2012: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…”. Theo đại biểu, việc giới thiệu về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên góp phần giúp tổ chức, cá nhân hiểu biết nhiều hơn về hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng, đặc biệt là ở các địa bàn có tổ chức hành nghề công chứng mới thành lập, tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin về tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng, quy định về bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng tại khoản 1 Điều 37 dự thảo Luật chưa đầy đủ, vì trong quá trình hoạt động công chứng thì không chỉ có công chứng viên, nhân viên gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng mà còn có thể cả tổ chức hành nghề công chứng cũng gây ra thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác; mặt khác, còn có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét lại quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 về việc văn phòng công chứng mới chỉ không hoạt động liên tục từ 3 tháng trở lên đã bị thu hồi quyết định cho phép thành lập văn phòng là quá nghiêm khắc, như thế sẽ tạo khó khăn, áp lực cho văn phòng công chứng. Tại khoản 3 Điều 55 dự thảo Luật quy định về Công chứng di chúc, theo đại biểu quy định như vậy là chưa đúng và chưa đầy đủ, đề nghị ban soạn thảo sửa lại cho phù hợp.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định cũng góp ý vào quy định về Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên; Thẻ công chứng viên; quy định về Thủ tục công chứng tại Điều 39; quy định người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch tại khoản 3, Điều 46; quy định giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để luật hóa tối đa các nội dung đang được quy định tại các văn bản dưới luật đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế; đánh giá đầy đủ tác động của các thủ tục hành chính trong dự thảo Luật để cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết, làm gia tăng chi phí tuân thủ. Qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để giải quyết các bất cập trong thực tiễn./.

Hoàng Gia (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc