Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế, xã hội

17:22, 01/07/2024

Sáng ngày 1/7, tại huyện Vị Xuyên, Tổng Cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế, xã hội của 53 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Dự buổi Lễ có đồng chí Nông thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê. Về phía tỉnh Hà Giang, có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan và lãnh đạo huyện Vị Xuyên.

Quang cảnh Lễ ra quân

Cuộc điều tra lần thứ 3 này được triển khai bắt đầu từ ngày 1/7 đến hết ngày 15/8/2024 có ý nghĩa rất quan trọng. Qua Điều tra sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan Trung ương cũng như các địa phương vùng dân tộc thiểu số có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2025, đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026-2030; làm cơ sở để các cấp uỷ, tổ chức Đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cuộc điều tra diễn ra trên phạm vi rộng với 11/11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang, với 193/193 xã/phường/thị trấn; 686 địa bàn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long phát biểu tại Lễ ra quân
Các đại biểu dự Lễ ra quân

Phát biểu tại lễ, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo Tổng Cục Thống kê và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long nhấn mạnh: Nội dung công việc điều tra rất lớn; bên cạnh đó đối tượng điều tra là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn là cực kỳ quan trọng. Vì vậy đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương liên quan, phối hợp, triển khai cuộc điều tra theo đúng tiến độ; làm tốt công tác truyền thông trên phạm vi toàn tỉnh. Sau khi kết thúc điều tra, chủ động xây dựng kế hoạch tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng kết quả điều tra 53 dân tộc năm 2024 trên địa bàn tỉnh; triển khai báo cáo phân tích kết quả và các báo cáo phân tích sâu theo chuyên đề phục vụ xây dựng kế hoạch 5 năm 2026-2030 và báo cáo đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 tại địa phương. In ấn các ấn phẩm, công bố công khai kết quả điều tra phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo của tỉnh. Cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện cuộc điều tra; làm tốt công tác tuyển chọn, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng điều tra viên, giám sát viên các cấp. Đặc biệt phát huy mạnh vai trò của Già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số để vận động đồng bào tích cực hưởng ứng, cung cấp thông tin cho điều tra viên chính xác, đầy đủ. Các Tổ trưởng, giám sát viên, điều tra viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành đúng quy định của Phương án điều tra, hoàn thành nhiệm vụ kết quả cao nhất.

Lễ phát động, các đại biểu đã đến chứng kiến điều tra viên thực hiện điều tra tình hình tại gia đình ông Đặng Văn Cam, dân tộc Dao, thôn Làng Má, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên

Ngay sau Lễ phát động, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo Tổng Cục Thống kê; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long và các đại biểu đã đến chứng kiến điều tra viên thực hiện điều tra tình hình tại gia đình ông Đặng Văn Cam, dân tộc Dao, thôn Làng Má, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên./.

Hồng Duyên


Ý kiến bạn đọc