Cơn bão có tên quốc tế là YAGI đã vượt qua đảo Lu-Dông (Philippin) vào khu vực Đông Bắc biển Đông trở thành cơn bão số 3 hoạt động trên biển Đông trong năm 2024. Dự báo, bão số 3 sẽ tiếp tục mạnh thêm, trong những ngày tới, di chuyển nhanh về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và khu vực Vịnh Bắc Bộ, khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta. Thực hiện Công điện số 86 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Văn bản số 2899/UBND-KTTH về việc triển khai thực hiện ứng phó với bão số 3 năm 2024.
Chủ tịch UBND chỉ đạo UBND các huyện, thành phố:
Tiếp tục chủ động triển khai, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ chuyên ngành và tỉnh về công tác phòng chống thiên tai với tinh thần khẩn tương, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.
Tổ chức thực hiện trực ban nghiêm túc, theo dõi nắm bắt thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa lũ để kịp thời chỉ đạo triển khai ứng phó theo tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão lũ tại địa phương.
Chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vự có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm 4 tại chỗ để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.
Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các cầu, đập tràn qua suối, các khu vực giao thông đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Đối với sản xuất nông nghiệp: Phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tăng cường công tác dự tính, dự báo, thông tin tuyên truyền cho nông dân thực hiện các biện pháp: Thu hoạch diện tích lúa, với phương châm xanh nhà hơn già đồng, khẩn trương hoạch diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch. Đối với cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm, khẩn trương xẻ rãnh, tháo nước để phòng có mưa lớn, gây ngập úng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây và chất lượng quả. Thu hoạch nhanh những diện tích đã chín hoặc sắp chín để hạn chế tối đa bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết.
Tổng hợp, báo cáo các thiệt hại trên địa bàn quản lý, đồng thời đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ, khôi phục sản xuất nông nghiệp nếu vượt quá khả năng của địa phương.
Các Sở, ngành là thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo triển khai quyết liệt, hướng dẫn kịp thời hiệu quả các biện pháp ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc