Ngày 3/10, đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khoá XV tỉnh Hà Giang và ĐBQH khoá XV tỉnh Hà Giang đã có buổi làm việc với Sở Công thương, Công ty Điện lực Hà Giang về khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về điện lực, giai đoạn 2022 – 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Lãnh đạo Sở Công thương và Công ty Điện lực Hà Giang Báo cáo việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực giai đoạn 2022 - 2024 |
Tại buổi làm việc, theo báo cáo của Sở Công thương và Công ty Điện lực Hà Giang cho thấy: Việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực giai đoạn 2022 - 2024 trên địa bàn tỉnh luôn bám sát định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của pháp luật; đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành quyết liệt giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng lưới điện, quản lý điện nông thôn, xử lý vi phạm đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thực hành tiết kiệm điện. Hệ thống lưới điện quốc gia của tỉnh được đầu tư, cải tạo, nâng cấp thường xuyên bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng của địa phương. Toàn tỉnh có 41 nhà máy điện thủy điện đã vận hành phát điện thương mại với tổng công suất 762 mê ga oát; điện thương phẩm 8 tháng năn 2024 đạt gần 335 triệu KWh; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 94,8%.
Đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khoá XV tỉnh Hà Giang phát biểu tại buổi làm việc |
Các đại biểu dự buổi làm việc |
Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị với Bộ Công thương sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án thủy điện nhỏ tỉnh Hà Giang vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 để có cơ sở triển khai lập kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, hợp phần phát triển mạng lưới điện; kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư cho tỉnh để thực hiện xóa trắng 89 thôn, bản chưa có điện và các thôn có điện nhưng chưa đảm bảo chất lượng điện năng nhằm phát triển kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiến nghị Đoàn ĐBQH có ý kiến đối với các sở, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh thống nhất các nội dung liên quan đến đầu tư, đất đai đối với các công trình điện do Công ty Điện lực Hà Giang làm chủ đầu tư; các sở, ngành chủ động phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thủ tục bàn giao công trình điện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời góp ý vào Luật Điện lực sửa đổi như: Bổ sung hình thức ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng cá nhân bằng hình thức OTP; bổ sung quy định trong trường hợp khách hàng cố tình né tránh nghĩa vụ thanh toán; quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để thực hiện việc nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện; chỉnh sửa một số câu, từ trong các điều, khoản của Luật Điện lực sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khoá XV tỉnh Hà Giang đánh giá cao ngành Công thương, Công ty Điện lực Hà Giang trong triển khai chính sách pháp luật về điện lực, giai đoạn 2022 – 2024, cơ bản đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh và quy hoạch năng lượng quốc gia. Đồng chí đề nghị Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp để tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết 19 dự án thủy điện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện; 51 công trình của Điện lực chưa hoàn thiện về các thủ tục chấp thuận đầu tư và các thủ tục về đất đai. Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang sẽ tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị của các ngành, đơn vị để chuyển đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan để xem xét bổ sung vào dự thảo Luật Điện lực sửa đổi và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các Luật liên quan cũng như văn bản hiện hành./.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc